Nhiều hệ lụy từ việc đốt rác thải bừa bãi tái diễn

Đã có nhiều cảnh báo về việc đốt rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, tuy nhiên, tình trạng đốt rác thải bừa bãi vẫn diễn ra.

Nhiều năm qua, bãi rác đầu xã Ninh Sở (huyện Thường Tín) luôn quá tải, tình trạng đốt rác diễn ra thường xuyên gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Ảnh: Hà Ánh

Tái diễn ra ở nhiều nơi
Theo phản ánh của người dân địa phương và ghi nhận thực tế của phóng viên Kinh tế & Đô thị, thời gian gần đây, tình trạng đốt rác thải bừa bãi không chỉ diễn ra ở ngoại thành Hà Nội mà ở cả các quận nội đô. 

Tại huyện Thường Tín, đầu xã Ninh Sở là bãi tập kết rác thải nhiều năm qua vẫn luôn trong tình trạng quá tải mà không được xử lý dứt điểm. Đặc biệt, rác thải được đốt thường xuyên không kể ngày đêm, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ông Nguyễn Văn Thùy, người dân thôn Bằng Sở, xã Ninh Sở chia sẻ: “Hàng ngày đi qua đây, chúng tôi phải hứng chịu mùi hôi nồng nặc từ việc đốt rác, mùi khét bốc lên rất khó thở”. Cũng trên địa bàn huyện Thường Tín, mặc dù đã nhận được nhiều phản ánh cũng như đưa ra các giải pháp ngăn chặn nhưng các làng nghề dọc hai bờ sông Nhuệ tại địa phận xã Hiền Giang và Hòa Bình vẫn lén lút đổ và đốt rác thành từng đống lớn, nhỏ. 

Khu vực ngoại thành đã vậy, ngay trong nội thành Hà Nội việc đốt rác từ sự thiếu ý thức của người dân cũng khá phổ biến. Tại sông Kim Ngưu, đoạn chảy qua địa phận phường Mai Động (quận Hoàng Mai), cách một đoạn, rác thải lại được người dân đốt ngay ven sông. Khu vực cầu Định Công, đường Trịnh Đình Cửu, đường Nguyễn Cảnh Dị (quận Hoàng Mai), theo phản ánh của người dân, buổi tối, từ 10 giờ trở đi, các xe nhỏ chở vật liệu đổ trộm ra sườn đường. Rất nhiều người thường đổ trộm rác thải và đốt, khói và mùi khét từ túi nilon rất khó chịu. Tình trạng này đã kéo dài lâu rồi nhưng vẫn chưa bị xử lý triệt để. 

Theo đại diện UBND phường Định Công, quận Hoàng Mai, các đơn vị chức năng đã tăng cường kiểm tra, mật phục nhưng các đối tượng thường đổ trộm và đốt rác vào ban đêm nên khó khăn trong xử lý. Nhận định về nguyên nhân gây ra việc đốt rác còn tồn tại trên địa bàn TP, theo đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội (Sở TN&MT Hà Nội), một trong những nguyên nhân đó là việc nhận thức của một số người dân về thành phần rác, tác hại của việc đốt rác còn hạn chế. Phần lớn người dân chưa phân biệt sự khác nhau giữa rác thải công nghiệp và rác thải sinh hoạt nên không rõ mức độ nguy hại của việc đốt rác. Bên cạnh đó, khi phát hiện đối tượng đốt rác, phần lớn chính quyền địa phương chỉ nhắc nhở mà ít xử lý; chưa tạo được sức răn đe. 

Vừa ô nhiễm, vừa tạo nguy cơ cháy nổ


Việc đốt rác thải không đúng quy định đã tạo ra khói bụi, gây ảnh hưởng tới môi trường sống, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, nhất là với trường hợp lượng rác đốt lớn sẽ làm giảm tầm quan sát của người tham gia giao thông. Và nếu những đống đốt rác thải, cây cỏ không được canh chừng, rất có thể lửa sẽ lan vào gây chập, cháy nổ, thiêu đốt gây thiệt hại tài sản vật chất… 

Trên thực tế, nhiều ý kiến cho rằng, việc tự ý xử lý rác thải là điều cần làm, tuy nhiên lại vô tình gây ô nhiễm môi trường, vi phạm quy định của Nhà nước. Tại khoản 2, Điều 7, Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình… trong đó áp dụng với hành vi tự ý đốt rác, chất thải, chất độc hoặc các chất nguy hiểm khác ở khu vực dân cư, nơi công cộng, bị phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng. Nhưng trước thực trạng này xem ra chưa đủ sức răn đe; và cũng cho thấy, việc giám sát, quản lý, xử lý tại địa phương chưa triệt để. 

Vì vậy, để ngăn ngừa hiểm họa cháy nổ, không gây ô nhiễm môi trường, cũng như tránh bị phạt tiền vì vi phạm, mỗi người dân cần phải tự nâng cao ý thức cá nhân trong việc đốt phế thải. Để bảo vệ môi trường, các tổ chức, nhiều chuyên gia đều kêu gọi công dân sống trong đô thị hãy từ bỏ thói quen đốt rác. Luôn thu gom rác để công nhân vệ sinh môi trường đến vận chuyển tới những bãi rác tập trung xử lý. 

Theo Phó Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng Trần Thị Hương, để ngăn chặn tình trạng đốt rác trên địa bàn TP, ngoài việc nâng cao ý thức người dân thì chính quyền địa phương cần có nhận thức rõ hơn trong việc xử lý. Hiện nay, đã có những chế tài xử phạt nên phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các trường hợp cố tình vi phạm. Chính quyền cần thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý nguồn thải, bảo vệ môi trường; bố trí kinh phí xây dựng điểm tập kết, trung chuyển rác thải công nghiệp, chất thải nguy hại… đúng quy định của pháp luật.

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm không khí nói riêng ngày càng phức tạp, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp; trong đó có việc phối hợp chặt chẽ với các DN môi trường ngăn chặn tình trạng đốt rác thải sinh hoạt, rác thải làng nghề… Cùng với đó, TP xây dựng chế tài xử phạt nặng cá nhân, tổ chức gây ô nhiễm; ban hành định mức giá thu rác thải làng nghề…
Hà Ánh