Bắc Ninh ban hành tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông

Có 3 tiêu chí lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh từ năm học 2021 – 2022 bao gồm: Phù hợp với đặc điểm kinh tế – xã hội của địa phương, phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông, các yếu tố đi kèm với SGK đảm bảo chất lượng dạy và học.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn vừa ký Quyết định số 90/QĐ-UBND ban hành tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa (SGK) trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh từ năm học 2021 – 2022.
Tỉnh Bắc Ninh ban hành tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông - Ảnh 1.

Từ năm học 2021 – 2022, SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh phải đảm bảo 03 tiêu chí (Ảnh mh)

Theo Quyết định, có 3 tiêu chí lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh từ năm học 2021 – 2022 bao gồm: Phù hợp với đặc điểm kinh tế – xã hội của địa phương; phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông; các yếu tố đi kèm với SGK đảm bảo chất lượng dạy và học.
Trong đó, với tiêu chí phù hợp với đặc điểm kinh tế – xã hội của địa phương, nội dung và cấu trúc SGK đảm bảo tính mở, linh hoạt, tạo điều kiện để nhà trường, tổ/nhóm chuyên môn và giáo viên bổ sung hoặc điều chỉnh nội dung và các hoạt động giáo dục cho phù hợp với khả năng nhận thức, năng lực học tập của học sinh và điều kiện thực tế của địa phương. Đồng thời, có tính kế thừa và phát triển; ngôn ngữ và cách thức thể hiện gần gũi với học sinh, phù hợp với văn hóa, lịch sử truyền thống của tỉnh.
Về tiêu chí phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông, SGK phải được trình bày cân đối, hấp dẫn, gây hứng thú cho học sinh; kênh chữ và kênh hình có chọn lọc, đảm bảo khoa học và giáo dục.
Nội dung các bài học/chủ đề trong SGK có những hoạt động học tập thiết thực, giúp học sinh phát triển phẩm chất, năng lực chung và năng lực đặc thù của môn học/hoạt động giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; phù hợp với khả năng nhận thức và tâm lí học sinh, có thể điều chỉnh phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh; tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả các học sinh có thể phát triển và sáng tạo.

Ngoài ra, cách thiết kế bài học/chủ đề trong SGK giúp giáo viên linh hoạt lựa chọn phương pháp và hình thức tổ chức dạy học tích cực, gắn kết nội dung bài học với thực tiễn, phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học tại địa phương.

Cấu trúc SGK thuận tiện cho giáo viên, tổ/nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh, phù hợp với kế hoạch giáo dục của nhà trường theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Đối với các yếu tố đi kèm với SGK đảm bảo chất lượng dạy và học, công tác tập huấn, hỗ trợ đội ngũ giáo viên trong sử dụng SGK phải đảm bảo kịp thời, hiệu quả và chất lượng.

SGK và các thiết bị phụ trợ kèm theo phù hợp, có thể triển khai tốt với điều kiện cơ sở vật chất và các điều kiện dạy học khác tại các trường phổ thông. Công tác phát hành SGK thuận lợi, đầy đủ và kịp thời.

 

CHU LƯƠNG