Bản Đôn phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc

Được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, những cánh đồng ruộng bậc thang trải dài, những nếp nhà sàn nằm nép mình dưới chân đồi xanh mướt… bản Đôn, xã Thành Lâm (Bá Thước) là nơi quần tụ của đồng bào dân tộc Thái, với 160 hộ dân, 678 nhân khẩu. Với lợi thế trên, những năm qua, người dân trong bản đã đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, khám phá, nghỉ dưỡng.

Một góc bản Đôn, xã Thành Lâm.

Ông Hà Huy Thục, một trong những hộ có nhà sàn cho khách lưu trú ở bản Đôn, cho biết: Vài năm trở lại đây, du khách đến thăm, lưu trú lại ở bản Đôn nhiều hơn, đặc biệt du khách người nước ngoài rất thích khi đến đây. Đến với bản Đôn, ngoài việc được khám phá cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, nét văn hóa độc đáo của người dân bản địa, nếu có nhu cầu, du khách có thể đi bộ hoặc thuê xe máy để di chuyển đến các điểm du lịch khác trên địa bàn huyện như bản Hiêu, bản Kho Mường; tham gia trải nghiệm các hoạt động lao động sản xuất cũng như đời sống sinh hoạt hằng ngày với người dân bản địa. Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức các món ăn truyền thống của đồng bào Thái, như: cá nướng, cơm lam, thịt lợn hấp, gà nướng, ốc đá, xôi tím, vịt Cổ Lũng. Đêm đến, du khách cùng đốt lửa trại, uống rượu cần, cùng giao lưu văn nghệ với điệu xòe, điệu khặp, hát múa dân ca, dân vũ đậm đà bản sắc dân tộc cùng các thiếu nữ xinh đẹp trong tiếng nhạc cụ truyền thống làm đắm lòng du khách. Đặc biệt, đối với những du khách yêu thích khám phá sự độc đáo của kiến trúc nhà sàn, đây cũng là cơ hội cho họ tìm hiểu về nguồn gốc cũng như sự khác biệt, nét văn hóa độc đáo của nhà sàn người Thái xứ Thanh…

Ông Hà Huy Giáp, trưởng bản Đôn, cho biết: Hiện nay, bản Đôn có 24 hộ và 1 doanh nghiệp làm du lịch theo hình thức du lịch cộng đồng, lưu trú, nghỉ dưỡng, homestay. Dù chịu hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng từ đầu năm 2021 đến nay, bản Đôn đã đón được gần 4.000 lượt khách du lịch đến tham quan, khám phá, nghỉ dưỡng. Hiện nay, bản Đôn được huyện Bá Thước chọn làm thí điểm xây dựng nông thôn mới, gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Huyện đang phối hợp với các ngành chức năng đào tạo, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho các hộ, như: bồi dưỡng tiếng Anh giao tiếp, thuyết minh viên, hướng dẫn viên; tổ chức cho bà con đi học tập kinh nghiệm ở các địa phương trong và ngoài tỉnh; tập huấn kỹ năng nấu ăn và pha chế đồ uống trong kinh doanh lưu trú du lịch tại nhà dân… góp phần nâng cao trình độ dân trí, văn hóa ứng xử, kỹ năng giao tiếp văn minh trong phục vụ du lịch. Từng bước xây dựng và hoàn thiện các dịch vụ du lịch phù hợp với quy hoạch; khai thác gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Bài và ảnh: Khánh Linh