Bộ sưu tập 1010 con trâu của nghệ nhân Nguyến Tấn Phát
Đây chính là thông điệp mà họa sỹ, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát muốn gửi gắm qua bộ sưu tập 1010 con trâu sơn mài khảm trai vào dịp Tết Nguyên đán.
Siêu phẩm 1010 con trâu mạ vàng
Đến làng cổ Đường Lâm vào những ngày đầu xuân mới Tân Sửu 2021, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi được chiêm ngưỡng 1010 tượng trâu được trưng bày tại không gian nhà cổ Đường Lâm của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát.
Đặc biệt, nhân kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội nên bộ sưu tập có số lượng 1010 con trâu để khách thập phương thưởng thức. Bằng sự sáng tạo và khéo léo của mình, họa sĩ Nguyễn Tấn Phát đã “hô biến” những khúc gỗ chơ vơ ở góc vườn đàn trâu muôn hình muôn vẻ, “độc nhất vô nhị”.
Sinh ra từ làng cổ Đường Lâm nên những tác phẩm của họa sỹ Nguyễn Tấn Phát mang nét đặc trưng của một làng Việt xưa với hình ảnh của cánh cổng làng rêu phong, cây đa, bến nước, sân đình, điếm canh, ruộng, miếu chùa lãng đãng khói hương…
Mấy năm gần đây, tên tuổi của Nguyễn Tấn Phát gắn liền với những tác phẩm điêu khắc con vật ngộ nghĩnh bằng chất liệu sơn mài. Mỗi năm anh làm tượng con giáp đại diện linh vật của năm đó. Hằng năm anh chỉ làm vài chục hoặc vài trăm con để bán nhưng đến nay anh quyết định làm bộ sưu tập “khủng” trong sự nghiệp của anh.
Chia sẻ về điều này, anh Phát cho biết, ý tưởng làm 1010 tượng trâu sơn mài của anh xuất phát từ tác phẩm “trâu hoa Lạc Việt” do anh sáng tạo nên đạt giải cao nhất nhóm sơn mài trong cuộc thi thiết kế thủ công mỹ nghệ năm 2020. Ngoài ra, bản thân anh cũng thích con trâu nhất trong 12 con giáp bởi sự cần mẫn, thông minh và sáng tạo của loài vật.
Theo văn hóa của người Việt, con trâu là đầu cơ nghiệp và cũng là người bạn thân thiết với người nông dân Việt Nam nên trong năm Tân Sửu, anh muốn gửi gắm tất cả tình yêu và tấm lòng tri ân với mảnh đất quê hương vào hình tượng trâu gỗ sơn mài khảm trai.
Với bộ sưu tập 1010 con trâu, anh Phát chia thành 4 chủ đề chính: nhóm “Trâu thực” là những con trâu thuần nông ngộ nghĩnh, đáng yêu; “Trâu cổng làng” gắn với hình ảnh cổng làng; “Trâu hoa văn, họa tiết cổ” và “Trâu Lạc Việt” gắn liền với các họa tiết trống đồng.
Đàn trâu 1010 con là 1010 ý tưởng độc bản, không trùng lặp bởi “Khi thiết kế, tôi chỉ thay đổi một chút và trang trí hoa văn khác thì nó đã là con khác rồi. Ngoài khả năng sáng tác mẫu và điêu khắc tượng thì tôi còn làm được sơn mài nên tạo được mẫu mã đa dạng không khó”, họa sĩ Tấn Phát nói.
Để biến khúc gỗ vô tri thành bức tượng nghệ thuật phải trải qua rất nhiều bước. Ban đầu là phác thảo ý tưởng ra bản vẽ, nặn thử bằng đất sét bởi công đoạn này có thể dễ dàng định hình, thay đổi cấu trúc sản phẩm. Sau khi có bản demo ưng ý, anh mới tiến hành đục trên gỗ, điêu khắc tinh xảo, phủ sơn, khảm trai, mạ bạc, mạ vàng, đánh bóng… Mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ của người làm để tạo phần hồn cho con trâu.
Anh bộc bạch: “Mục đích làm ra 1010 con để mọi người thưởng thức, có nhiều lựa chọn chứ không phải để khoe khoang hay lấy thành tích. Tôi quan niệm nghệ thuật là đặt con mắt thẩm mỹ trong những thứ bình dị, nhỏ bé nhất. Do đó, tôi thường xuyên sử dụng các chất liệu thân thiện với môi trường như gỗ mít, vỏ trai, vỏ trứng, vỏ dừa… để truyền tải thông điệp tái chế rác và bảo vệ môi trường”.
Chi tiền triệu tậu “trâu vàng” độc lạ chơi Tết
Những năm gần đây, xu hướng trưng bày, biếu, tặng vật phẩm phong thủy con giáp biểu trưng cho năm tới, được nhiều người dân quan tâm với ý nghĩa là món quà đem lại sự may mắn, thịnh vượng cho gia chủ.
Năm 2021 với linh vật là con trâu, tượng trâu dát vàng đang là sản phẩm hot nhất trên thị trường trong dịp cận Tết Nguyên đán, mang kỳ vọng một năm mới vạn sự như ý, sức khỏe dồi dào, hạnh phúc ấm no.
Tượng trâu thường bán cho khách mua về làm cảnh hay quà biếu với giá từ 1,5-5 triệu đồng/con. Để lọt vào mắt xanh của các đại gia, ắt hẳn một sản phẩm bất kì phải hội tụ nhiều tiêu chí như thương hiệu, chất lượng… đặc biệt là tính “độc nhất vô nhị”.
Lý giải về điều này, họa sỹ Tấn Phát tâm đắc khi nói về bức tượng “trâu hóa rồng” với tạo hình độc lạ, thông điệp sâu sắc, trị giá 5 triệu đồng. Qua con mắt họa sĩ, trâu được “thần thánh hóa” với hình tượng đầu trâu đuôi rồng, vừa mang dụng ý nghệ thuật của họa sĩ vừa chứa đựng mong ước, khát vọng của người Việt.
“Năm 2020 là năm Tý quá vất vả với cả nhân loại chứ không nói riêng Việt Nam. Với chủ đề “Tân Sửu” tôi muốn mang đến hình ảnh con trâu vừa thân thuộc vừa mới lạ. Qua hình tượng trâu hóa rồng, tôi hy vọng sức trâu sẽ vực dậy nền kinh tế của đất nước, đồng thời mang đến những điều may mắn, cơ hội cho mọi người”, anh Phát chia sẻ.