“BÙNG NỔ” XUẤT KHẨU RAU QUẢ
Tháng 6 vừa qua, xuất khẩu rau quả đã mang về gần 1 tỷ USD, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ, đưa kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đạt 2,8 tỷ USD, gần bằng kim ngạch của cả năm 2022.
Đây thực sự là con số ấn tượng của ngành rau quả trong bối cảnh sụt giảm của nhiều mặt hàng nông sản. Với những động lực tăng trưởng từ thị trường sôi động đến khả năng đáp ứng nhanh, ngành rau quả kỳ vọng cả năm sẽ đạt 5 tỷ.
Thị trường xuất khẩu rau quả bắt đầu sôi động từ sau Tết nguyên đán, và tăng đột biến từ 2 tuần cuối tháng 5/2023 khi đạt trên 400 triệu USD, tăng gấp đôi so với 2 tuần trước đó. Sang tháng 6, chỉ trong vòng 1 tháng, mặt hàng này “bùng nổ” mạnh mẽ và nhanh chóng đạt đến giá trị 1 tỷ USD. Chỉ 6 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả đã bằng gần cả năm 2022, tăng 63% so với cùng kỳ.
Ông Trần Ngọc Hiệp – Giám đốc Công ty Thanh long Hoàng Hậu
“6 tháng đầu năm 2023, công ty tăng so với năm ngoái 30- 40% về số lượng, doanh số tăng 60%/ Sau dịch thị trường nó trở lại, hơn nữa thanh long thì số lượng ít, giá trị tăng, công ty mình tranh thủ được thời gian tốt.”
Sầu riêng được xem là điểm sáng, với sản lượng 180.000 tấn xuất sang thị trường Trung Quốc, kim ngạch 850 triệu USD, chiếm 95% tổng lượng sầu riêng xuất đi của nước ta. Sự tăng trưởng của xuất khẩu sầu riêng cũng là điều dễ hiểu, bởi nhu cầu thị trường rất lớn. Chưa kể nước ta cũng đã chuẩn bị rất bài bản cho mặt hàng này, khi đến nay đã có ít nhất 293 mã số vùng trồng và 115 mã số cơ sở đóng gói được cấp mã số.
Ông Nguyễn Đình Tùng – Chủ tịch HĐQT Vina T&T Group
“Trong 6 tháng đầu năm ta đã tận dụng tối đa nghị định thư xuất khẩu vào Trung Quốc, hầu hết các doanh nghiệp đều có sự chuẩn bị, chuyển mình đầu tư nhất định vào cơ sở vật chất để đủ điều kiện xuất khẩu”
Cơ hội thị trường bứt phá cuối năm là rất lớn cho rau quả Việt Nam vươn đến kim ngạch 5 tỷ USD, kỷ lục từ trước đến nay, nhưng không phải là không có thách thức. Nhất là khi việc xuất khẩu ồ ạt cũng đã dẫn đến việc một số lô hàng bị cảnh báo vì kém chất lượng.
Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam
“Trồng trọt theo tiêu chuẩn Vietgap và Global gap và khi cắt hàng giao phải đạt đúng độ chín, độ ngon của trái không nên cắt quá non, gây ấn tượng không tốt, làm giảm cái tiêu thụ của mặt hàng.”
Nhiều nhóm hàng khác cũng được cho sẽ là động lực tăng trưởng của xuất khẩu rau quả cuối năm như bưởi vào thị trường Mỹ, hay nhãn, vải vào thị trường Nhật… Thị trường châu Âu cũng được kỳ vọng sẽ sớm sôi động trở lại. Như vậy, dư địa để trái cây Việt xuất ngoại vẫn còn rất lớn, vấn đề còn lại là các doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát huy các lợi thế của mình như thế nào để không chỉ tăng xuất khẩu, mà còn mở rộng thị phần, định vị thương hiệu trái cây Việt Nam./.
Chương trình Người đưa tin 24H phát sóng lúc 06h30 trên THVL1, thông kênh THVL2; 11h15 trên THVL1; 18h30 trên THVL2.
Hương Giang – Lưu Niệm – Trung Tuyến