Chặn đà tăng của giá thép

Giá thép trong nước đang tăng “phi mã”, ảnh hưởng rất lớn đến các ngành sản xuất, đặc biệt là ngành xây dựng. Các chuyên gia nhận định, xu hướng giá cả nguyên liệu và thép thành phẩm trên thế giới trong năm 2021 tiếp tục có nhiều biến động, có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới.

Giá thép không ngừng tăng cao

Liên tục từ đầu năm đến nay, giá thép đã tăng cao, lên đến 40-50% khiến nhiều doanh nghiệp sử dụng loại vật liệu này “đứng ngồi không yên”. Anh Nguyễn Văn Nam, chủ một cửa hàng sắt thép tại Hà Đông (Hà Nội) cho hay, giá thép nhập vào ngày 6-5 đã ở mức 18.200 đồng/kg, cao hơn 2.000 đồng/kg so với nửa tháng trước và tăng khoảng 5.000 đồng so với hồi đầu năm. Đây là mức tăng mạnh và các nhà máy liên tục chào giá mới tới các đại lý. So với thời điểm này năm 2019 và 2020, giá chỉ khoảng từ 12.000 – 13.000 đồng/kg thì giá thép hiện đã tăng khoảng 50%. Theo đánh giá của các doanh nghiệp sản xuất, giá thép tăng cao gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là với các doanh nghiệp ngành xây dựng. 

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), do diễn biến của giá nguyên liệu trên thế giới tăng, giá bán thép trong nước cũng điều chỉnh tăng, đặc biệt là cuối tháng 12-2020 và đầu tháng 1-2021, giảm trong tháng 2, tăng trở lại vào tháng 3-2021 và tiếp tục có xu hướng tăng cho đến thời điểm hiện tại. Trong khi đó, giá phôi thép trong nước ghi nhận ngày 5-5-2021 là 14.000-14.200 đồng/kg, tăng khoảng 30% so với đầu tháng 12-2020 và giá phôi giao dịch Đông Nam Á là 675 USD/tấn (tăng khoảng 32% so với đầu tháng 12/2020). Mức giá thép xây dựng tại thị trường Việt Nam đầu tháng 5-2021 tăng tương ứng với mức tăng nguyên liệu sản xuất thép, ví dụ giá quặng sắt ngày 5-5-2021 giao dịch ở mức 188-190USD/Tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, tăng khoảng 50 USD/tấn, tương ứng với mức tăng 25-39% so với đầu tháng 12-2020. Từ xu hướng diễn biến giá cả nguyên liệu và thép thành phẩm trên thế giới trong năm 2021 có nhiều biến động, dẫn đến giá cả thị trường thép trong nước quý I và đầu quý II diễn biến phức tạp như trên. Giá nguyên liệu vẫn có xu hướng tăng cao khiến giá thép trong nước sẽ có điều chỉnh trong vài ngày tới.

Lý giải nguyên nhân của việc tăng giá này, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch VSA cho biết, nguyên nhân đầu tiên là do ảnh hưởng của thị trường nguyên liệu và sản phẩm thép thế giới, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, thị trường chiếm gần 60% sản lượng thép thô toàn cầu. Các yếu tố chính đang chi phối thị trường này làm ảnh hưởng tới giá thép toàn cầu đó là: Nguồn cung thép thắt chặt theo chính sách của Chính phủ Trung Quốc về kiểm soát ô nhiễm; Nhu cầu tiêu thụ thép nội địa của nước này tăng cao do sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc và kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2021-2025; Thông tin giảm hoàn thuế xuất khẩu từ 13% xuống 9%, thậm chí 0% để giảm sản lượng xuất khẩu thép; Chi phí sản xuất thép của Trung Quốc năm 2020 cao hơn so với các quốc gia làm nhập khẩu bán thành phẩm (thép thô) nước này đã tăng lên mức cao nhất trong lịch sử vào quý 3 năm 2020.

Bên cạnh đó, nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi, đồng nghĩa nhu cầu về thép của thế giới tăng, trong khi dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và các tổ chức quốc tế đều khẳng định công suất thép toàn cầu năm nay chưa thể phục hồi như trước đại dịch. Điều đó có nghĩa, giá thép sẽ có khả năng còn tăng. Ngoài ra, hiện giá thép tăng còn chịu sự tác động của cước phí vận chuyển tăng cao, thiếu container tàu biển.

“Chưa kể, mặc dù năng lực sản xuất các sản phẩm thép (thép xây dựng, thép ống, tôn mạ) của ngành thép Việt Nam đã đáp ứng đủ nhu cầu thị trường nội địa. Tuy nhiên, nguyên liệu (quặng sắt, phế thép), nhiên liệu và vật liệu tiêu hao thường xuyên (than mỡ, coke, điện cực, trục cán, vật liệu chịu lửa…), thiết bị dự phòng cho sản xuất thép hầu hết được nhập khẩu, nên thị trường thép Việt Nam chịu chi phối bởi thị trường toàn cầu”, ông Nghiêm Xuân Đa nêu rõ.

Nỗ lực giảm giá thép

Về dự báo triển vọng trong năm 2021, ông Nghiêm Xuân Đa cho rằng, thị trường thép sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, giá cả nguyên vật liệu và thép thành phẩm trên thế giới sẽ có nhiều biến động, có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới trên thị trường toàn cầu và nội địa. 

“Trước những diễn biến phức tạp, khó lường gần đây của thị trường thép thế giới gây ảnh hưởng đến giá sản phẩm thép trong nước, VSA đã có văn bản khuyến nghị các doanh nghiệp thành viên thực hiện một số giải pháp nhằm góp phần bình ổn thị trường trong nước như, tiếp tục phát huy công suất, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm thép, tổ chức hệ thống phân phối hợp lý để ổn định nguồn cung trong nước, đáp ứng đủ nhu cầu thị trường; Tăng cường hợp tác phối hợp, ưu tiên nguồn nguyên liệu và thép thô cho thị trường trong nước; Tiết giảm chi phí sản xuất, đồng thời bảo đảm giá bán hợp lý”, ông Nghiêm Xuân Đa nêu rõ.

Về phía cơ quan quản lý, Bộ Công thương cho biết sẽ tăng cường quản lý thị trường để ngăn chặn, xử lý kịp thời những hiện tượng đầu cơ tăng giá thép, gian lận thương mại làm thất thu ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Đồng thời, Bộ Công thương đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các sản phẩm thép như tôn mạ kim loại và sơn phủ màu; chỉ đạo Bộ Tài chính có chính sách điều tiết thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép có biến động lớn về giá…

Ngoài ra, Bộ Công thương sẽ tiếp tục xây dựng các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo quyền lợi người tiêu dung; chủ động tiến hành triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép phù hợp với các quy định thương mại và luật pháp quốc tế. Theo dõi và xem xử lý kịp thời việc chống bán phá giá một số sản phẩm thép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam cũng như đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá của các nước đối với mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam nhằm giảm thiểu các thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất thép.

HÀ ANH