Chuyện biếu quà Tết tặng nội ngoại của gia đình trẻ
Còn chưa đến một tuần nữa là Tết Nguyên đán, Thanh Hoa (27 tuổi, Hà Nội) đang đau đầu về việc biếu Tết cho hai bên gia đình nội ngoại. Đây là lần thứ 2 Hoa về quê chồng ăn Tết.
Tuy nhiên, cả 2 vợ chồng đều là nhân viên văn phòng, tổng lương cũng chỉ được 15 triệu đồng mỗi tháng. Công ty làm ăn khó khăn vì dịch, tiền thưởng năm nay của vợ chồng Hoa bị cắt giảm.
“Vì kinh phí ít nên từ nửa tháng nay mình suy nghĩ rất nhiều về việc biếu gia đình hai bên. Năm ngoái thưởng nhiều, lại mới cưới nên cũng có khoản ra, khoản vào, vì thế bọn mình biếu hai bên thoải mái. Năm nay lương, thưởng eo hẹp, lại phải lo dành tiền để sinh em bé, chồng yêu cầu biếu 2 bên 10 triệu. Thế nhưng, biếu như vậy ra Tết hai vợ chồng có khi phải đi vay nợ để trả tiền ăn”, Hoa than vãn.
Không chỉ có gia đình Hoa mà không ít cặp vợ chồng trẻ xảy ra mâu thuẫn, tranh cãi về việc biếu tiền bên nội, bên ngoại dịp Tết. Để tránh xích mích không đáng có, hai vợ chồng cần ngồi lại bàn bạc, nói chuyện một cách nghiêm túc, thẳng thắn.
Ngồi lại bàn bạc, thống nhất
Chìa khóa để tránh xung đột về quà biếu hai bên nội ngoại trong dịp Tết là trao đổi trung thực và không đặt ra các giả định về những kỳ vọng của người khác. Cả hai cần nói về vấn đề này sớm và cùng quyết định xem biếu quà Tết như nào cho gia đình, chi bao nhiêu cho ngày Tết.
Ngoài ra, hai vợ chồng không cần thiết phải chọn những món quà đắt tiền mới quý, điều quan trọng là món quà đó có giá trị sử dụng đối với người được tặng.
Hoàn toàn không nên vì chuyện quà biếu như nào, biếu bao nhiêu mà gây áp lực, làm mất đi tình cảm vợ chồng.
Thể hiện lòng hiếu thảo, trách nhiệm với gia đình
Khi đã lập gia đình, dù ít hay nhiều các bạn cũng nên biếu tiền cho cha mẹ, ông bà nội ngoại gọi là góp Tết. Dù ông bà có nhận hay không, chúng ta vẫn phải biếu. Tiền biếu Tết cho nội hay ngoại nhiều hay ít tùy thuộc vào thu nhập của hai vợ chồng. Tuy nhiên, biếu bên nội bao nhiêu thì bên ngoại cũng nên vậy. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, có nhiều biếu nhiều, có ít, biếu ít, cốt ở tấm lòng các con hướng về cha mẹ.
Ngoài ra, với gia đình bên nội nên để vợ là người đưa. Ngược lại, gia đình bên ngoại nên để chồng là người đưa. Làm như vậy sẽ hài hòa cho cả hai bên và cha mẹ cũng cảm thấy yên tâm về cuộc sống của con cái. Dù điều này khá nhỏ, chúng ta cũng nên lưu tâm.
Của cho không bằng cách cho
Trước khi kết hôn, có lẽ các cặp vợ chồng không thể nào nghĩ rằng mình sẽ phải cãi nhau về chuyện biếu quà Tết cha mẹ. Thế nhưng, trên thực tế, do không phân minh, rành mạch trong việc biếu tiền bên nội, bên ngoại, vợ chồng dễ dẫn đến tình cảm sứt mẻ.
Ở đây, phân minh không phải là phân chia rành rọt “anh lo việc anh, em lo việc em”. Mà phân minh là sự chia sẻ thẳng thắn giữa vợ và chồng trên tinh thần xây dựng. Từ đó, mỗi bên đều lắng nghe mong muốn của người kia rồi cùng đưa ra hướng giải quyết phù hợp.
Vợ chồng phải cân bằng việc biếu tiền Tết giữa 2 bên nội ngoại. Ảnh: Anh Thư.
Dù là đàn ông hay phụ nữ, ai cũng muốn ngày Tết có thể biếu quà cha mẹ được trọn vẹn và đầy đặn. Tuy nhiên, chúng ta cần suy xét để món quà phải phù hợp với điều kiện của 2 vợ chồng. Sau đó, món quà cần mang nhiều ý nghĩa để cha mẹ được vui. Cuối cùng, món quà đắt giá nhất chính là sự vui vẻ, hài lòng của người thân.
Có nhiều cặp đôi trẻ “xử” việc biếu tiền, biếu quà Tết cha mẹ đôi bên khá hay. Thay vì chỉ biếu tiền và quà cáp thì người vợ tự tay vào bếp làm mứt, làm bánh về biếu cha mẹ chồng. Anh chồng cũng biết quan tâm đến gia đình vợ theo cách riêng, trước Tết 2 tuần đích thân đến sửa sang lại hệ thống vòi nước, nhờ thợ sơn lại tường nhà cho mới mẻ.
Cha mẹ chúng ta vẫn nói “của cho không bằng cách cho”, ngày Tết món quà ý nghĩa nhất đối với đấng sinh thành không phải là tiền bạc, vật chất mà là sự quan tâm, tình cảm chân thành từ con cái.