Cộng đồng mạng “mắt tròn mắt dẹt” trước bếp củi đỏ lửa trên tầng 5 ngôi nhà ở Hoàn Kiếm
Giữa thủ đô phồn hoa, khi mọi vật dụng đều được thay thế bằng đồ điện tử thông minh, sạch sẽ thì gia đình chị Vương Mai vẫn dùng bếp củi thổi cơm, làm đồ ăn hằng ngày.
Không ai nghĩ căn bếp này lại nằm giữa trung tâm TP. Hà Nội. (Ảnh: NVCC)
Mới đây, nick Facebook Mai Vuong đã chia sẻ câu chuyện thú vị của gia đình trên nhóm Yêu Bếp. Bài viết với tiêu đề: “Bếp củi giữa lòng Hà Nội” nhận về hàng ngàn lượt like, bình luận và hàng trăm lượt chia sẻ.
Tầng thượng của ngôi nhà 5 tầng khá mộng mơ là nơi để bếp củi truyền thống.
Bếp củi gia đình chị Vương Mai được thiết kế gần giống lò sưởi ở phương Tây. Bếp được xây bằng gạch chịu lửa, vữa chịu lửa nên đảm bảo an toàn, chống cháy nổ. Đặc biệt, chồng chị Mai là kiến trúc sư đã thiết kế phần khói thoát ra để không gây ảnh hưởng đến mọi người xung quanh.
Bài viết có nội dung cụ sau: “Bếp củi giữa lòng Hà Nội – Bạn bè tôi hay gọi thế khi đến nhà tôi ăn cơm…Ý tưởng xây bếp củi trên tầng 5 của một ngôi nhà trong phố lúc đầu bị chồng tôi phản đối do sợ cháy nổ, nóng tầng dưới, v…v..nhưng tôi đã thuyết phục được. Chúng tôi xây bằng gạch chịu lửa, xây cách tường, tạo khe thoáng để giảm độ nóng của lò. Khi xây xong, tôi về quê mua kiềng, trấu, vỏ lạc và nhặt củi nhãn ở vườn nhà tha lên. Tha luôn cả mấy cái nồi gang để nấu cơm.
…Tôi là con gái nông thôn nên ký ức về những món ăn từ bếp củi rất thương nhớ. Mùi khói bếp ám vào tay, vào tóc, vào thức ăn sao mà thân thương đến vậy, món ăn cũng ngon hơn lạ thường. Tôi làm tất cả các món ăn hằng ngày như: Nấu cơm nồi gang để lấy cháy, kho cá, làm kho quẹt, luộc thịt, nướng cá, nướng thịt…”.
Món rau xào thịt bê trông khá hấp dẫn.
Nhiều người rang lạc bằng nồi chiên không dầu hiện đại nhưng chị Vương Mai lại hì hục rang lạc, rang vừng bằng chiếc bếp củi.
Trước kia, trên tầng 5 nhà chị Vương Mai là kho với đủ thứ hỗn độn. Công việc bận rộn nên ít khi chị ngó ngàng tới cái kho, không muốn lên đó bởi quá nóng bức. Đến khi nghỉ việc ở nhà một thời gian, chị mới nảy sinh ý tưởng cải tạo tầng 5 ngôi nhà. Vậy chị tiến hành sơn sửa lại, trồng cây cảnh, các loại hoa để không gian sống trở nên thơ mộng hơn.
Thịt rán thơm ngon từ chiếc bếp trên tầng thượng ngôi nhà.
Chia sẻ về ý tưởng xây bếp củi, chị Vương Mai bật cười: “Đúng lúc cải tạo bếp thì con tôi học đến bài “Cái bếp của mèo con”. Con không hình dung ra vì sao mèo con lại mắc kẹt trong chiếc bếp. Lớn lên ở TP. Hà Nội, con không biết chiếc kiềng, bếp củi, ống thổi khói ra sao… Vậy là tôi thuyết phục chồng xây bếp. Mới đầu, anh cũng gạt đi, sợ vợ vất vả, nhà cửa lấm lem. Nhưng “mưa dầm thấm lâu”, cuối cùng tôi đã thuyết phục được anh”.
Gà nướng nóng hổi là món ăn các con yêu thích nhất.
Nồi nước luộc măng ngày giáp Tết.
Hằng ngày, chị Vương Mai dành thời gian nấu cơm, chế biến nhiều món ngon từ bếp củi.
“Tôi là người sống hoài niệm. Xa quê hơn 20 năm nhưng những hình ảnh thân thuộc của miền quê nghèo vẫn in rõ trong tâm trí. Tôi nhớ cháy bỏng cái cảm giác ngày ấy, khi trời xây xẩm tối, bếp củi đỏ lửa, khói bếp lan tỏa cay cay mắt, mọi người quây quần cùng nhau thổi cơm, chuyện trò rôm rả. Chiếc bếp mới giúp tôi được sống lại năm tháng tuổi thơ tươi đẹp”, chị Vương Mai rưng rưng xúc động.
Trước Tết, cả gia đình cùng nhau quây quần gói bánh chưng. Chị muốn lưu giữ những khoảnh khắc đẹp cho các con, bản thân và mọi người xung quanh.
Bước luộc bánh chưng ngày Tết.
Chồng chị là kiến trúc sư nên trước khi xây, anh đã vẽ một bản thiết kế chi tiết. Để đảm bảo an toàn, tất cả vật liệu xây dựng được chọn lựa kỹ, chất lượng cao như: Gạch chịu lửa, vữa chịu lửa. Đặc biệt, bếp được thiết kế giống ống khói ở phương Tây, ống khói cách mái nhà hơn 1m nên không có tình trạng khói mù mịt khi nấu. Sau năm ngày, bếp hoàn thiện trong niềm hạnh phúc của hai vợ chồng và sự háo hức ăn cơm nấu bằng bếp củi của các con.
Sau khi xây xong, chị Vương Mai về quê tại Hưng Yên để mang kiềng bếp, nồi, niêu, xoong, chảo cũ xuống nấu. Vậy là chuyến xe cuối tuần của gia đình chị luôn đầy củi khô, vỏ trấu, vỏ lạc, rơm cùng thực phẩm sạch. Những món ăn đậm đà hương vị xưa được nấu bằng bếp củi luôn được các con yêu thích: Cá kho tộ, thịt rang cháy cạnh, đậu rán, lạc rang, cá nướng…
Chị Vương Mai hào hứng: “Chưa lúc nào nhà tôi lại rộn rã như bây giờ. Cuối tuần, bạn bè, người thân đến chơi rất đông. Bạn của các con, rồi bố mẹ các bé cũng tới, cùng nhau nấu nướng, trải nghiệm”.
Món cơm cháy nồi gang được mọi người order nhiều nhất. Vị thơm phức, giòn tan hòa quyện trong khoang miệng.
Cá kho thơm đượm mùi khói bếp. Món này là món khoái khẩu của chồng chị Vương Mai.
Chị Vương Mai hào hứng: “Chưa lúc nào nhà tôi lại rộn rã như bây giờ. Cuối tuần, bạn bè, người thân đến chơi rất đông. Bạn của các con, rồi bố mẹ các bé cũng tới, cùng nhau nấu nướng, trải nghiệm. Khi tôi đăng bài viết lên mạng xã hội, có nhiều bạn còn ngỏ ý muốn thăm nhà “xin” miếng cơm cháy nồi gang”.
Trên tầng thượng ngôi nhà 5 tầng hiện đại lại có một góc nhỏ rất “nông thôn”. Điều này khiến nhiều người thích thú, tò mò muốn ghé thăm.
Bạn Nhật Minh bày tỏ cảm xúc: “Cháu yêu bác, yêu cái bếp nhà bác, cháu cũng không muốn rời xa bếp củi ạ”. Nick Timiu Tmiu rưng rưng xúc động: “Em thì mãi không quên được món cá kho húi trấu. Ôi cái mùi khói trấu nó ám vào cá, sao mà thơm thế?”
Chiếc bếp củi giữa lòng Hà Nội khiến bạn Huân Ốc nhớ về bếp lửa một thời của bà: “Một bếp lửa chờn vờn sương sớm/Một bếp lửa ấp iu nồng đượm… Xem ảnh làm em cứ nhớ hai câu thơ này. Yêu thương quá”.
Chị Vương Mai chia sẻ rằng trong cuộc sống hiện đại, chúng ta cần tiếp thu những điều tiến bộ, văn minh nhưng không quên gìn giữ nét truyền thống dân tộc. Và bếp củi giữa lòng Hà Nội gợi nhắc hương vị tuổi thơ khó khăn mà hạnh phúc.