Đào vùng cao “dán tem” xuống phố

Thời điểm này, trên những con phố náo nhiệt của Hà Nội, những cành đào vùng cao khô mộc được dán tem truy xuất nguồn gốc đang tấp nập xuống phố, phục vụ nhu cầu thưởng lãm của người dân Thủ đô.

Đào vùng cao thu hút người tiêu dùng
Hào hứng chọn đào tại ngã tư Lạc Long Quân – Nguyễn Hoàng Tôn (quận Tây Hồ, Hà Nội), chị Nguyễn Mai Anh (Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết, gia đình chị đặc biệt yêu thích đào rừng vì cành to, hoa to đẹp. Dù không nhiều hoa như đào bích, đào phai trồng ở các địa phương đồng bằng nhưng đào rừng mang vẻ đẹp dung dị, hoang dã và khác lạ nên năm nào chị cũng mua loại đào này về trưng Tết. 

Đào vùng cao “dán tem” xuống phố -0
 Đào rừng chủ yếu là đào phai, cánh to, hoa to, hương thơm nhẹ, rất được người tiêu dùng Hà Nội ưa chuộng.

“Năm nay, sau khi Thủ tướng Chính phủ có yêu cầu không chặt phá đào rừng tự nhiên để bán, gia đình tôi tưởng rằng không còn được thưởng thức loại hoa đặc biệt này nữa. Nhưng bất ngờ hôm nay đi sắm hoa cho ngày Rằm tháng Chạp lại thấy. Mừng quá nên tôi mua luôn về để trưng Tết. Hầu hết các gốc đào đều được dán tem xác nhận là do người dân trồng chứ không khai thác tự nhiên nên chúng tôi rất yên tâm”, chị Mai Anh vui vẻ cho hay.

Tại một số chợ hoa lớn hoặc một số cung đường chính, nhiều người qua lại, những ngày gần đây đã bắt đầu bày bán các cành đào vùng cao phục vụ cho người dân Thủ đô chơi Tết. Anh Hồ Văn Thắng, bán đào tại ngã tư Lạc Long Quân – Nguyễn Hoàng Tôn cho biết, anh có khoảng 20 gốc và cành đào được trồng ở vùng cao đã được bày bán tại đây. Những gốc đào này có nguồn gốc tại xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La) và đều được gắn tem “đào Vân Hồ” để xác nhận là đào trồng, không phải đào rừng. 

Những gốc đào xuống Thủ đô thời điểm này đa số là đào phai, hoa đơn 5 cánh, màu hồng đậm từ trong ra ngoài. Mỗi gốc đào cao khoảng 2 – 3m, bán kính rộng từ 1,5 – 2m. Thân cây xù xì, khúc khuỷu, nhiều lớp rêu phong, địa y, thi thoảng có mốc trắng, nhìn xa giống như các cành củi khô, bắt đầu lác đác điểm hoa.

So với năm ngoái, giá đào rừng năm nay cao hơn một chút, được rao bán với mức giá trung bình từ 3 – 15 triệu đồng/cây, thậm chí có cây “khủng” giá khoảng 27 triệu đồng/cây. Với những cành đào nhỏ, giá giao động từ 500.000 – 5 triệu đồng. Nhiều cây lâu năm có thế đẹp tự nhiên giá dao động lên tới hàng chục triệu đồng. 

Bên cạnh các loại đào rừng, các loại đào truyền thống của Hà Nội như đào phai, đào bích cũng được bày bán tương đối nhiều. Nhưng anh Hoàng Văn Tuấn (Tây Sơn, Hà Nội) cho hay, đào rừng lạ, hoa rất to, thoảng hương thơm nhẹ nên người tiêu dùng vẫn thích hơn. Chưa kể, đào có cành to, phù hợp với những ngôi nhà lớn nên hầu như năm nào anh cũng chọn mua một cây để trưng.

Ủng hộ dán tem để tránh khai thác đào tự nhiên

Đào vùng cao “dán tem” xuống phố -0
 Tem được dán trên các cành đào.

Để bảo đảm đào bày bán cho người tiêu dùng Hà Nội không phải là đào khai thác tự nhiên, anh Hồ Văn Thắng cho biết, thời gian qua, tại Vân Hồ, ngay sau khi đào được khai thác, chính quyền địa phương đến nhà dân để xác nhận đây chính xác là đào của dân trồng, sau đó cấp lượng tem tương ứng để dán vào các cành đào theo quy định mới. “Nhìn chung, bước đầu, các thủ tục có gây mất thời gian nhưng may mắn là vẫn kịp cho chúng tôi mang đào xuống Hà Nội phục vụ người dân chơi Tết năm nay”, anh Hồ Văn Thắng nói.

Được biết, mẫu tem trên do UBND huyện Vân Hồ thiết kế được Sở Khoa học – công nghệ, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Sơn La tư vấn, số lượng tem ban đầu được in ra là 11 nghìn tem, phát cho các hộ trồng đào để dán lên cây đào trong quá trình khai thác, buôn bán, vận chuyển. Đào vùng cao chủ yếu là đào phai, do đó, hình ảnh cây đào được in trên tem xuất xứ, huyện Vân Hồ cũng cho in bông hoa đào phai, như một cách nhận diện thương hiệu. Từ nay đến cuối năm, tùy nhu cầu của thị trường, số lượng đào sẽ được cung ứng liên tục để phục vụ nhu cầu cho người dân thủ đô mua đón Tết Nguyên đán sớm.

Theo phản ánh của nhiều người tiêu dùng Hà Nội, chủ trương dán tem cho đào là chủ trương đúng, nên được phát huy. Chị Nguyễn Thị Mai Anh cho biết: “Từ trước đến nay, tôi vẫn chỉ có thói quen mua, chứ chưa quan tâm đến nguồn gốc sản phẩm. Nay thấy đào được dán tem, tôi yên tâm hơn khi vừa mua được sản phẩm ưa thích, vừa không gây ảnh hưởng đến môi trường sống hay cây rừng tự nhiên”.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có công văn gửi các tỉnh về việc tăng cường công tác bảo vệ rừng và quản lý, truy xuất nguồn gốc cây đào do người dân trồng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.

Theo đó, Bộ NN&PTNT khẳng định, đối với cây đào, cây mai và một số cây trồng ngoài diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng tự nhiên do tổ chức, hộ gia đình và cá nhân tự bỏ vốn trồng, thì chủ rừng quyết định việc khai thác theo quy định của pháp luật. Các tỉnh tăng cường chỉ đạo, quản lý tại cơ sở, tuyên truyền, vận động không để lợi dụng chặt, phá cây rừng, tùy theo điều kiện cụ thể địa phương, trong thời gian trước mắt có thể áp dụng biện pháp xác nhận nguồn gốc, xuất xứ phù hợp, nhưng không tạo thêm thủ tục hành chính, ách tắc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hợp pháp.

HÀ ANH