Thế nhưng, khi đến đây chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì vùng đất hoang vắng xưa kia đã trở thành một vùng đô thị năng động với cuộc sống nhộn nhịp trên những con đường nhựa, bê tông thông thoáng len theo các cánh đồng sen, vườn cây ăn trái bạt ngàn… Đồng chí Trần Thị Quý, Phó bí thư Huyện ủy Tháp Mười phấn khởi nói: “Tháp Mười là huyện đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào tháng 10-2019, sớm hơn một năm so với kế hoạch đề ra”.

Du khách chiêm ngưỡng hoa ở làng hoa Sa Đéc, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp.

Giai đoạn 2011-2019, huyện Tháp Mười đã huy động được hơn 13.397 tỷ đồng từ các nguồn ngân sách, các chương trình, dự án, trong đó nhân dân đóng góp hơn 1.010 tỷ đồng xây dựng NTM. Người dân tích cực phát huy vai trò chủ thể trong quá trình thực hiện, như: Đóng góp ngày công lao động, hiến đất, cây cối, hoa màu, ủng hộ kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng, làm cầu, đường… Chính sự đồng lòng, chung sức của người dân là nhân tố quan trọng để huyện hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM như hôm nay.

Đồng chí Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Ngoài Tháp Mười thì TP Hồng Ngự, Sa Đéc và Cao Lãnh cũng đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (vượt chỉ tiêu 2 đơn vị cấp huyện theo nghị quyết đề ra). Đến cuối năm 2020, Đồng Tháp có 98/117 xã được công nhận NTM, đạt 84% (vượt kế hoạch 34%)”.

Theo Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, các ngành hàng chủ lực của Đồng Tháp (lúa gạo, hoa, cây cảnh, xoài, cá tra…) được nâng cao với các hình thức liên kết, hợp tác sản xuất, tiêu thụ ngày càng lan tỏa và thu hút gần 50 dự án với mức đầu tư hơn 5.300 tỷ đồng vào nông nghiệp, nông thôn. Tỉnh hiện có 100 mô hình hội quán hoạt động gắn với từng ngành hàng, ngành nghề đặc trưng của địa phương và 22 hợp tác xã kiểu mới được hình thành từ mô hình này. Qua đó, góp phần tạo xu hướng mới trong sản xuất, nâng cao chất lượng kinh tế tập thể. Đặc biệt, trong triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Đồng Tháp có 70 sản phẩm OCOP của 30 chủ thể đạt 3-4 sao và là một trong 3 tỉnh đứng đầu cả nước có sản phẩm OCOP.

Cấp ủy, chính quyền các địa phương đã động viên nhân dân thay đổi tư duy từ lấy sản lượng làm lợi nhuận chuyển sang hướng phát triển kinh tế nông nghiệp chất lượng, hiện đại. Nhờ vậy, nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch đã mở ra hướng tiếp cận mới cho nông dân, như: Mô hình sản xuất xoài theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, mô hình “Cây xoài nhà tôi”, “Cây cam vườn tôi”, “Ruộng nhà mình”… Hiện nay, hàng hóa của Đồng Tháp đã có mặt tại hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; trong đó thị trường châu Á chiếm tỷ trọng 46%, châu Âu 13%, châu Mỹ 35%, thị trường khác 6%.

Thời gian tới, tỉnh Đồng Tháp sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững, đột phá vào giảm diện tích trồng lúa năng suất thấp, không hiệu quả sang trồng cây ăn trái và các loại hình sản xuất hiệu quả hơn; giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, Đồng Tháp cũng chú trọng phát triển các ngành hàng chủ lực, như: Lúa gạo, hoa kiểng, cây ăn trái, thủy sản… dựa trên ứng dụng khoa học và công nghệ gắn với nâng cao năng lực quản lý và vai trò gắn kết với doanh nghiệp.

Bài và ảnh: THẾ HIỂN