Để hầm đi bộ phát huy tốt công năng
Sau hơn 10 năm được đưa vào sử dụng, các hầm đi bộ trên địa bàn thành phố đã bước đầu giúp cho người dân an toàn khi muốn sang đường. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hầm đi bộ chưa phát huy hiệu quả, gây lãng phí không nhỏ. Để hầm đi bộ phát huy tốt công năng, thời gian tới rất cần cơ quan chức năng thực hiện thêm nhiều giải pháp.
Người dân sử dụng hầm đi bộ H14 đường Nguyễn Xiển (quận Hoàng Mai). Ảnh: Ngân Thùy
Nhiều hầm đi bộ vắng bóng người qua
Hầm đi bộ Ngã Tư Sở ở khu vực giao nhau của các đường: Tây Sơn, Nguyễn Trãi, Trường Chinh, Láng – khu vực luôn đông đúc, dày đặc người, xe lưu thông cả ngày. Vậy nhưng, dưới hầm đi bộ, theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới ngày 1-4, chỉ lác đác vài người tập thể dục; trong khi đó, trên mặt đường, nhiều người đi bộ vẫn cắt ngang dòng phương tiện lưu thông để sang đường. Tương tự, dù người đi bộ sang đường khá tấp nập ở khu vực Bến xe Mỹ Đình lúc 12h ngày 1-4, thì trong hầm đi bộ ở đường Phạm Hùng cũng chỉ có một vài người.
Ở ngoại thành, các hầm bộ hành tại khu vực đường Trường Sa và Hoàng Sa (quốc lộ 5 kéo dài), thuộc địa bàn huyện Đông Anh, trong tổng số 10 hầm đã được đưa vào sử dụng thì chỉ có 4 hầm mở cửa phục vụ người dân. 6 hầm còn lại (2 hầm ở xã Xuân Canh, 4 hầm ở xã Đông Hội, Tàm Xá, Vân Nội) vẫn đóng cửa và ven tường hầm rất nhiều rác thải. Theo khảo sát của phóng viên, khu vực này hiện chỉ có hầm bộ hành HS6 ở địa bàn xã Xuân Canh (huyện Đông Anh) đang được sử dụng. Ông Nguyễn Văn Chỉnh, người làm công việc trông coi hầm bộ hành HS6 cho biết, người đi lại qua hầm chủ yếu là học sinh các trường học trên địa bàn xã Xuân Canh và khu vực lân cận.
Chị Nguyễn Thu Phương (phố Cù Chính Lan, quận Thanh Xuân) cho biết, nhà chị cách lối xuống hầm đường bộ Ngã Tư Sở hơn 500m, vì ngại đi vòng lên – xuống hầm, mỗi lần sang đường chị Phương thường chọn cách băng qua đường dù nhiều xe cộ qua lại để rút ngắn thời gian.
Theo Phó Trưởng phòng Kết cấu hạ tầng giao thông (Sở Giao thông – Vận tải Hà Nội) Vũ Ngọc Thắng, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định phạt tiền với người đi bộ không đi đúng phần đường quy định; vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn… Tuy nhiên, hiện vẫn có nhiều người vi phạm quy định này nhưng không bị xử lý nên người sang đường coi thường, không tuân thủ quy định.
Cần nhiều giải pháp
Hầm đi bộ trên địa bàn xã Đông Hội (huyện Đông Anh) đã hoàn thiện, nhưng chưa đưa vào sử dụng. Ảnh: Nguyễn Triều
Những năm qua, cùng với việc phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, để bảo đảm an toàn cho người đi bộ sang đường, việc thiết kế, xây dựng các hầm bộ hành thường được làm đồng bộ với các dự án hạ tầng giao thông. Đặc biệt, ở những khu vực có lưu lượng phương tiện giao thông qua lại lớn, rất nhiều hầm bộ hành đã được xây dựng và đưa vào sử dụng. Điển hình như, trên đường Phạm Hùng có 6 hầm, trên đường Khuất Duy Tiến có 5 hầm, 13 hầm trên đường Lý Sơn, Trường Sa, Hoàng Sa…
Về hệ thống hầm bộ hành trên địa bàn thành phố, Phó Trưởng phòng Kết cấu hạ tầng giao thông Vũ Ngọc Thắng (Sở Giao thông – Vận tải Hà Nội) thông tin, hiện trên địa bàn thành phố đang có 32/38 hầm mở cửa phục vụ người đi bộ. 6 hầm còn lại trên tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa đóng cửa vì hai bên đường không có người dân sinh sống, nhu cầu đi lại của người dân không nhiều; khi người dân có nhu cầu, các hầm đường bộ sẽ được mở cửa.
Thực tế cho thấy, việc sử dụng hầm đi bộ là rất cần thiết để bảo đảm an toàn và kéo giảm tai nạn giao thông, do đó, để không lãng phí sự đầu tư vào hệ thống hầm bộ hành, cơ quan chức năng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Theo Chủ tịch UBND phường Ngã Tư Sở Hoàng Mạnh Dũng, hầm tại khu vực Ngã Tư Sở liên quan đến 3 phường Ngã Tư Sở, Khương Trung, Thượng Đình nên lực lượng công an các phường phải cùng phối hợp với đơn vị quản lý vận hành hầm để kiểm tra xử lý vi phạm, bảo đảm an ninh trật tự và vệ sinh môi trường trong hầm. Trong khi đó, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa Lê Kế Việt cho biết, UBND quận chỉ đạo công an các phường tăng cường kiểm tra an ninh trật tự hầm đường bộ, kịp thời ngăn chặn đối tượng xấu sử dụng hầm không đúng chức năng để người dân yên tâm khi đi lại.
Về việc người dân không sử dụng hầm đường bộ mà băng cắt qua đường, ông Vũ Ngọc Thắng đề nghị, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh xử lý dạng lỗi này để nâng cao ý thức của người dân. Bên cạnh đó, Sở Giao thông – Vận tải Hà Nội cũng đẩy mạnh tuyên truyền, lắp hàng rào tại dải phân cách để hạn chế người đi bộ sang đường… Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị quản lý hầm tăng cường trực gác để giữ an ninh trật tự, vệ sinh, duy tu, sửa chữa những hư hỏng nhằm bảo đảm an toàn cho người đi trong hầm.
Hy vọng rằng, với các giải pháp đồng bộ, hệ thống hầm bộ hành sẽ được sử dụng hiệu quả, góp phần bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn thành phố.