Di chứng chất độc da cam – nỗi đau còn đó
Cách đây 60 năm, ngày 10/8/1961 chuyến bay đầu tiên phun rải chất độc hóa học (CĐHH) do máy bay Mỹ thực hiện tại Quốc lộ 14, nằm ở phía bắc thị xã Kon Tum. Từ đó đến năm 1971, quân đội Mỹ tiến hành phun rải hơn 80 triệu lít CĐHH, 61% trong đó là chất độc da cam rải xuống Việt Nam. Việc sử dụng chất da cam/dioxin ở chiến trường trong suốt 10 năm (1961 – 1971) đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, không chỉ huỷ hoại môi trường, các hệ sinh thái mà còn tác hại đến sức khỏe con người Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Chất độc hóa học và những thảm cảnh đau lòng
Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Quảng Trị là địa bàn chịu hậu quả CĐHH nặng nề. Theo nhiều tài liệu đã công bố, từ năm 1963, 72 triệu lít chất dioxin được Mỹ thả xuống từ Nam vĩ tuyến 17 trở vào, trong đó tỉnh Quảng Trị là một trọng điểm. Một tài liệu của tỉnh Quảng Trị báo lên cấp trên vào năm 1968 cho hay, có 1.500 ha rừng, hoa màu của bà con nông dân đã bị chết do chất độc từ máy bay Mỹ thả xuống, chủ yếu tập trung vào huyện Cam Lộ. Gần 2.000 người chết do nhiễm độc quá nặng.
Nghiêm trọng hơn, ở Việt Nam, CĐHH đã truyền qua thế hệ thứ 4 (theo thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có hàng trăm ngàn người thuộc thế hệ thứ 2, hơn 35.000 người thuộc thế hệ thứ 3, hơn 2.000 người thuộc thế hệ thứ 4). Tất cả là do di chứng CĐHH/dioxin gây ra.
Bốn người con tật nguyền của ông bà Trần Văn Trâm, Trần Thị Dần. Ảnh: Lan Phương.
Vợ chồng ông Trần Văn Trâm, bà Trần Thị Dần, 71 tuổi, ở thôn Tân Hiệp, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị sinh được 7 người con, trong đó 4 người con bị nhiễm chất độc da cam thuộc thế hệ F1 nhiễm từ chính cha mẹ mình. Bà Trần Thị Dần, cho biết cả 4 đứa trẻ phát hiện bị tật nguyền khi được 2 – 3 tuổi. “Người con đầu tiên bị bệnh, chúng tôi vẫn muốn sinh thêm con với mong muốn đứa sau khỏe mạnh, bù đắp cho cuộc sống của gia đình, thêm tiếng cười vui con trẻ. Nhưng càng cố, càng mong muốn sinh con cho lành lặn thì gia đình lại liên tiếp đón những đứa con tật nguyền. Nỗi đau đớn cứ nhân lên. Cả bốn cháu đều không nói được, không đi được bằng hai chân mà phải bò. Mỗi ngày vài lần, cả bốn cháu lên cơn đập phá đồ và ném đồ vào bố mẹ” – Bà Dần chia sẻ.
Bà Trần Thị Dần nghẹn ngào trong nước mắt: “Sinh con ra mà con không biết gọi mẹ ơi. Vất vả lắm. Trong trường hợp hai vợ chồng già chúng tôi cùng mất đi, chỉ mong Đảng, Nhà nước nuôi giúp mấy đứa con tội nghiệp này”. Ảnh: Lan Phương.
Đến nay 4 người con đều ở độ tuổi từ 30-40 nhưng không thể tự làm được bất cứ việc gì dù là cho bản thân. Hai vợ chồng già cắt cử nhau, vợ ở nhà nấu ăn và bón cơm, vệ sinh cho các con, chồng đi làm thuê kiếm tiền phụ giúp cho sinh hoạt hàng ngày.
Lê Gia Bảo là thế hệ thứ tư (F3) bị nhiễm chất độc da cam ở Quảng Trị. Ảnh: Lan Phương.
Ở thôn Thượng Lâm, xã Cam Thịnh, huyện Cam Lộ, cháu Lê Gia Bảo là nạn nhân da cam thuộc thế hệ F3, là chắt ngoại của ông Trần Văn Lường, bị nhiễm chất độc da cam thuộc F0. Gia Bảo đã 9 tuổi nhưng nhận thức chỉ như trẻ lên ba, lên bốn. Chị Trần Thị Lại, mẹ cháu Bảo, cho biết sau khi sinh Gia Bảo được 1,5 tháng, gia đình phát hiện cháu bị bệnh tim bẩm sinh và đục thủy tinh thể. Mổ tim xong, tiếp tục phẫu thuật đục thủy tinh thể nhưng mắt cháu ngày càng nhìn mờ. Nên cháu chỉ có thể ngồi sát tivi để nghe tiếng. Cháu không thể tự chăm sóc bản thân vì chân tay yếu cộng với mắt kém. Chị Lại mong mỏi: “Trong thời gian tới, tôi cứ chịu đựng vậy thôi, chăm sóc con để cùng vượt qua khó khăn. Chỉ mong mắt con sáng, có cơ hội được nhìn thấy cuộc sống, được nhìn thấy cha mẹ, bạn bè…”.
Ông Phạm Văn Mạnh, Phó Chủ tịch Hội người khuyết tật nạn nhân da cam/dioxin và bảo trợ xã hội huyện Cam Lộ, chùng giọng: Thật thương tâm nếu nhắc đến con số hay những trường hợp bị quái thái trong bụng mẹ ở huyện Cam Lộ. Thế hệ thứ ba, thứ tư sinh ra sau chiến tranh vẫn bị nhiễm độc. Hiện nay, trên địa bàn huyện Cam Lộ có 1087 hộ và 1786 người là nạn nhân da cam. Trong đó, mới có 230 trường hợp được hưởng chế độ. Số còn lại là nhờ sự trợ giúp của cộng đồng, các nhà hảo tâm và các tổ chức chính trị, xã hội.
Cần có động lực để vươn lên
Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách chế độ đối với nạn nhân chất độc da cam, nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài nước đã dành những tình cảm, sự ủng hộ đối với đối tượng này. Cùng với đó, các cấp hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin cả nước đã đẩy mạnh công tác vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân cùng chung tay góp sức giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam và gia đình họ vươn lên trong cuộc sống. Bà Trần Thị Dần, một trong những gia đình được hưởng thụ trực tiếp từ các tổ chức phi Chính phủ và các nhà hảo tâm chia sẻ: “Các ngành, các nhà hảo tâm rất quan tâm và chúng tôi rất cảm động. Nhìn thấy hoàn cảnh gia đình chúng tôi như thế này, họ thương lắm và ôm chúng tôi khóc. Tôi chỉ mong có nhiều sức khỏe để chăm nuôi cho bốn con tật nguyền”.
Tuy nhiên, vẫn cần lắm những tấm lòng và những việc làm cụ thể để tạo nguồn sinh kế bền vững cho gia đình các nạn nhân chất độc da cam, từ đó hiện thực hóa những ước mơ bình dị của họ.