Điều đặc biệt của bộ máy Chính phủ mới kiện toàn
Việc kiện toàn bộ máy Chính phủ hoàn tất vào ngày 8/4 – sau khi Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm 14 thành viên Chính phủ, gồm 2 phó thủ tướng và 12 bộ trưởng, trưởng ngành.
Một nửa nội các được bầu mới, tăng 1 thành viên Chính phủ
Dù vẫn là Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII (2011/2016), một nửa trong số các thành viên Chính phủ được bầu mới. Số lượng thành viên Chính phủ tăng thêm 1, lên 28 người, khi Phó thủ tướng Phạm Bình Minh không còn kiêm nhiệm vị trí Bộ trưởng Ngoại giao.
Trong bộ máy lãnh đạo Chính phủ mới ngoài Thủ tướng Phạm Minh Chính lần đầu tham gia nội các thì còn có sự góp mặt của 2 tân phó thủ tướng Lê Minh Khái và Lê Văn Thành. Theo kết quả kiểm phiếu, số phiếu đồng ý mà 2 ông nhận được là 471 cho ông Lê Minh Khái và 402 cho ông Lê Văn Thành.
Cả 2 tân phó thủ tướng đều trải qua vị trí bí thư tỉnh ủy tại địa phương, trong đó ông Lê Văn Thành là Bí thư Hải Phòng đương nhiệm còn ông Khái từng là Bí thư Bạc Liêu trước khi được điều động giữ vị trí Tổng Thanh tra Chính phủ hồi tháng 1/2017. Ông Thành cũng là phó thủ tướng duy nhất hiện nay được bổ nhiệm từ vị trí lãnh đạo địa phương.
12 tân bộ trưởng, trưởng ngành đều nhận được số phiếu tán thành từ 85% trở lên, trong đó chỉ 3 trường hợp có phiếu bầu dưới 90% là Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (68 phiếu không đồng ý), Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên (59 phiếu) và Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn (52 phiếu).
Ở đầu nhiệm kỳ, trường hợp nhận được số phiếu tán thành thấp nhất có tới 185 phiếu không đồng ý, chiếm tỷ lệ hơn 37% tổng số đại biểu Quốc hội.
4 ủy viên Bộ Chính trị
Trong 28 thành viên nội các đương nhiệm có 4 ủy viên Bộ Chính trị gồm Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang và Bộ trưởng Công an Tô Lâm.
Trong số này, ông Phan Văn Giang lần đầu tham gia Bộ Chính trị khóa XIII. Ông Giang cũng là một trong số bảy tân bộ trưởng được thăng cấp từ vị trí thứ trưởng. Sáu người còn lại gồm:
– Ông Bùi Thanh Sơn từ Thứ trưởng Bộ Ngoại giao lên Bộ trưởng, thay ông Phạm Bình Minh.
– Ông Trần Văn Sơn từ Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trở thành Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thay ông Mai Tiến Dũng.
– Ông Nguyễn Thanh Nghị từ Thứ trưởng Bộ Xây dựng lên Bộ trưởng, thay ông Phạm Hồng Hà.
– Ông Lê Minh Hoan từ Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lên Bộ trưởng, thay ông Nguyễn Xuân Cường.
– Ông Nguyễn Văn Hùng từ Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trở thành Bộ trưởng, thay ông Nguyễn Ngọc Thiện.
– Bà Phạm Thị Thanh Trà từ Thứ trưởng Bộ Nội vụ thành Bộ trưởng, thay ông Lê Vĩnh Tân.
5 bộ trưởng được điều động từ cơ quan khác
Ông Hồ A Lềnh trước đó thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam qua làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc thay ông Đỗ Văn Chiến.
Ông Nguyễn Hồng Diên là Phó ban Tuyên giao sang làm Bộ trưởng Công Thương thay ông Trần Tuấn Anh, mới được phân công làm Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Ông Hồ Đức Phớc là Tổng kiểm toán Nhà nước trước khi là Bộ trưởng Tài chính. Cựu Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng mới đây đã được điều động qua làm Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Ông Đoàn Hồng Phong là Bí thư Tỉnh ủy Nam Định đương nhiệm, được điều sang làm Tổng Thanh tra Chính phủ, thay vị trí ông Lê Minh Khái để lại.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn lần thứ 2 thay ông Phùng Văn Nhạ nắm giữ (trước đó là lãnh đạo Đại học Quốc gia).
8 thành viên Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Dù số lượng bầu mới chiếm 1/2 nội các, thực tế, chỉ 8 người là thành viên Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngay từ đầu nhiệm kỳ, bao gồm 3 phó thủ tướng và 6 bộ trưởng, trong đó ông Phạm Bình Minh kiêm nhiệm 2 vị trí.
8 thành viên Chính phủ tại vị tham gia từ đầu nhiệm kỳ gồm:
– Phó thủ tướng Phạm Bình Minh
– Phó thủ tướng Trương Hòa Bình
– Phó thủ tướng Vũ Đức Đam
– Bộ trưởng Công an Tô Lâm
– Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà
– Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
– Bộ trưởng Lao động, Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung
– Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long
5 thành viên khác của Chính phủ là những người được bầu thay thế ở giữa nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, gồm:
– Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, thay ông Trương Quang Nghĩa.
– Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, thay ông Trương Minh Tuấn.
– Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, thay ông Lê Minh Hưng – người được điều động làm Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng.
– Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt thay ông Chu Ngọc Anh – Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
– Bộ trưởng Nguyễn Thành Long, thay bà Nguyễn Thị Kim Tiến.
14 thành viên Chính phủ mới ra mắt Quốc hội sau khi được phê chuẩn bổ nhiệm. Ảnh: Thuận Thắng. |
Ở đầu nhiệm kỳ 2016-2021, bà Nguyễn Thị Kim Tiến là nữ thành viên duy nhất trong nội các. Với nội các của Thủ tướng Phạm Minh Chính, có 2 nữ bộ trưởng, trưởng ngành là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng và tân Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.
Tư lệnh ngành có nhiều khác biệt
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị là tư lệnh ngành trẻ nhất – sinh năm 1976. Tư lệnh ngành còn lại thuộc thế hệ 7X là ông Hầu A Lềnh – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.
Hồi năm 2015, khi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, ông Nghị cũng được ghi nhận là Bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước.
Ông Nguyễn Thanh Nghị là tiến sĩ Khoa học kỹ thuật xây dựng, quê quán tại TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau, là con trai cả của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông từng là giảng viên Đại học Kiến trúc TP.HCM. Sau khi trở thành Ủy viên Trung ương dự khuyết vào tháng 1/2011, ông Nghị giữ chức Thứ trưởng Bộ Xây dựng.
Ông được điều động làm Phó bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang nhiệm kỳ 2010-2015 từ tháng 3/2014. Từ tháng 10/2015, ông Nguyễn Thanh Nghị được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang trong một nhiệm kỳ.
Đầu năm 2016, ông Nghị được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XII khi 39 tuổi.
Đến tháng 10/2020, Bộ Chính trị chỉ định ông Nguyễn Thanh Nghị tham gia Ban Cán sự Đảng của Bộ Xây dựng. Thủ tướng sau đó bổ nhiệm ông giữ chức Thứ trưởng Bộ Xây dựng.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng là tư lệnh ngành có nhiều điểm đặc biệt. Ông Diên không phải người trong ngành như nhiều bộ trưởng đương nhiệm, cũng không phải nhân sự được quy hoạch tại chỗ như Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn… hay như chính người tiền nhiệm Trần Tuấn Anh.
Tân Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên (phải) trò chuyện với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bên hành làn Quốc hội. Ảnh: Thuận Thắng. |
Khác với Bộ trưởng Nông nghiệp Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Văn hóa Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà hay Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Sơn, ông Diên cũng chưa có thời gian làm quen, tiếp cận công việc của ngành trước khi đảm đương cương vị Bộ trưởng. Nếu như những vị kể trên được điều động về bộ và giữ cương vị thứ trưởng một thời gian, thì ông Diên lại được giao trọng trách tư lệnh ngành khi vẫn là Phó ban Tuyên giáo Trung ương.
Có bằng cử nhân kinh tế, tiến sĩ quản lý hành chính công, tân Bộ trưởng Công Thương kinh qua nhiều chức vụ, song quá trình công tác chủ yếu gắn với quê hương Thái Bình, từ Bí thư Tỉnh đoàn đến Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó bí thư, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND rồi Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình.
Hoài Thu – Phương Loan