Định giá VinFast cao hơn Ford, ngang Honda?
Nguồn tin Bloomberg khẳng định nếu thành công, đợt IPO có thể đẩy định giá VinFast lên đến 50 tỷ USD. Khi đó, VinFast sẽ lập tức tiến sát top 10 hãng xe lớn nhất thế giới, ngang ngửa các nhà sản xuất tên tuổi như Hyundai (51,38 tỷ USD), Honda (50,86 tỷ USD) và vượt Ford (49,47 tỷ USD).
Ở vị trí thấp hơn, Daimler, General Motors và BMW đều là những tập đoàn xe hơi có hàng chục năm kinh nghiệm. Daimler bán 2,84 triệu xe năm 2020, doanh thu 183,6 tỷ USD và lợi nhuận 7,85 tỷ USD. GM đạt doanh số 122 tỷ USD và lợi nhuận 6,4 tỷ USD. BMW đạt doanh số 117,8 tỷ USD và lợi nhuận 6,2 tỷ USD.
Ngoài top 10, Hyundai – hãng xe được định giá 51,38 tỷ USD, đứng thứ 11 trong bảng xếp hạng – đạt doanh thu 92 tỷ USD và 2,74 tỷ USD lợi nhuận trong năm 2020. Trong khi đó, Ford, với giá trị vốn hóa thị trường 49,47 tỷ USD, thu về 127 tỷ USD vào năm ngoái và đạt lợi nhuận 2,8 tỷ USD.
Các hãng xe Trung Quốc được hỗ trợ lớn
Các hãng xe Trung Quốc cũng sớm nhảy vào cuộc đua xe điện. Chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ hàng tỷ USD để thúc đẩy sự phát triển của những nhà sản xuất xe trong nước như BYD và Nio, hiện đứng lần lượt thứ 7 và 8 về định giá.
BYD và Nio có những lợi thế đặc biệt. Tỷ phú đầu tư Mỹ Warren Buffett nắm giữ đến 8,2% cổ phần tại BYD, nhiều hơn ở GM. Giá cổ phiếu của hãng xe điện Trung Quốc tăng vọt 200% trong vòng 12 tháng qua. Vào thời điểm giá đạt đỉnh, giá trị vốn hóa thị trường của BYD thậm chí tăng hơn 300% so với một năm trước đó.
Doanh số BYD năm 2020 đạt 12,8 tỷ USD, lợi nhuận 3,22 tỷ USD, tăng mạnh so với 2019. Trong năm ngoái, hãng bán gần 432.000 chiếc xe.
Trong khi đó, Nio có thể cạnh tranh trong cuộc đua xe điện nhờ khoản trợ cấp từ chính phủ Bắc Kinh. Hồi năm 2020, Trung Quốc đã cung cấp gói cứu trợ trị giá 7 tỷ NDT (tương đương 1 tỷ USD) cho hãng xe và cung cấp một số hỗ trợ tài chính cần thiết khác.
Giá trị vốn hóa thị trường của Nio đã tăng vọt từ gần 4 tỷ USD cách đây một năm lên 60,4 tỷ USD vào thời điểm hiện tại. Hôm 22/1, định giá của hãng xe đạt đỉnh gần 100 tỷ USD. Nio giao 7.225 chiếc xe mới trong tháng 1, tăng 352,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần thứ 6 liên tiếp hãng lập kỷ lục về số xe được giao hàng tháng.
Tại buổi gặp mặt nhà đầu tư mới đây, lãnh đạo Vingroup cho biết VinFast dự kiến tung ra các mẫu xe điện vào thị trường Mỹ từ đầu năm 2022, và đã có kế hoạch hòa vốn EBITDA (lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao) trong 5 năm tới.
Tập đoàn này kỳ vọng VinFast sẽ nắm được 30% thị phần ôtô trong nước và xuất khẩu các mẫu xe điện ra nước ngoài. Tuy nhiên, hiện tại, hoạt động của VinFast vẫn chưa thể tiến tới điểm hòa vốn.
Cơn sốt xe điện
Với việc giá cổ phiếu Tesla tăng vọt, các hãng xe đều ráo riết đầu tư vào xe điện. Volkswagen, hãng xe lớn nhất châu Âu, đang đầu tư 35 tỷ euro (42 tỷ USD) vào EV. Volkswagen mới tuyên bố sẽ bán hơn 2 triệu EV vào năm 2025, xây dựng mạng lưới nhà máy pin, thuê 6.500 chuyên gia công nghệ thông tin trong vòng 5 năm tới và khởi chạy hệ điều hành riêng.
Hồi tháng 1, GM – hãng xe đứng thứ 4 – cũng công bố kế hoạch không carbon đến năm 2040 và loại bỏ các loại xe có khí thải đuôi xe trong năm 2023. Trong vòng chưa đầy bốn năm tới, GM cho biết sẽ tung ra 30 mẫu BEV (loại xe sử dụng hoàn toàn động cơ điện với bộ pin có thể nạp lại được).
Theo Financial Times, Giám đốc điều hành GM Mary Barra tiết lộ tập đoàn sẽ tăng số tiền đầu tư vào phát triển EV lên 27 tỷ USD.
Hãng xe đứng thứ 5 về giá trị vốn hóa thị trường, BMW, cũng công bố kế hoạch chuyển đổi thương hiệu Mini sang EV 100% hồi tháng 3 năm nay. Mẫu xe chạy động cơ đốt trong cuối cũng của Mini sẽ được ra mắt vào năm 2025.
Theo dự đoán của UBS, Volkswagen sẽ sản xuất 2,6 triệu xe điện vào năm 2025, vượt Tesla với 2,3 triệu chiếc. Trong khi đó, Toyota có thể đứng thứ ba cùng 1,5 triệu xe điện (không bao gồm xe hybrid). Hyundai Motor Group và Nissan có thể sản xuất khoảng 1 triệu xe, theo sau là GM với 800.000 chiếc.