Đường về rộng mở…sau một thời lầm lỡ

Bị người thân và cộng đồng xa lánh là hoàn cảnh chung của những người một thời lầm lỡ. Thế nhưng, tại H. Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) tương lai của họ vẫn… rộng mở. Bởi, ngoài vòng tay của người thân, họ còn được cả xã hội dang tay giúp đỡ về tinh thần, vật chất để làm lại cuộc đời.

Xưởng sản xuất bao bì của anh Tuấn giải quyết việc làm cho gần 10 lao động tại địa phương.

Anh Nguyễn Anh Tuấn (1981, trú Phú Đông, xã Đại Hiệp, H. Đại Lộc) tâm sự: “Trong một lần “bốc đồng” vì men rượu tôi đã gây thương tích cho người khác. Với bản án 18 tháng tù, tôi nghĩ rằng tương lai của mình dường như khép lại vì sợ người thân, bạn bè xa lánh và đặc biệt là xã hội dè bỉu, kỳ thị… Nhưng không ngờ khi vừa trở về, được gia đình, Công an xã Đại Hiệp động viên, các cơ quan chức năng giúp đỡ cho vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng trang trại làm nấm. Từ quy mô ban đầu của trang trại trồng nấm sò, với số tiền 1 tỷ đồng từ ngân hàng cộng thêm vốn gia đình tôi mạnh dạn mở rộng đầu tư sang lĩnh vực sản xuất bao bì. Sau hơn 2 năm phát triển sản xuất, số tiền vay của ngân hàng đã được hoàn trả đầy đủ. Hiện tại, cơ sở làm nấm và sản xuất bao bì của anh Tuấn đã giải quyết công ăn việc làm cho hơn 10 lao động tại phương”…

Tương tự, trường hợp anh Nguyễn Văn Tuấn (1984, trú Ô Gia, xã Đại Cường, H. Đại Lộc) năm 2012 khi chấp hành xong án phạt 9 tháng tù tại Trại giam Bình Điền (Thừa Thiên- Huế) về tội trộm cắp tài sản trở về cũng được tộc họ, các đoàn thể động viên, tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng đầu tư chăn nuôi bò thịt. Có công ăn việc làm cùng nguồn thu ổn định, Tuấn đã mạnh dạn từ bỏ quá khứ để học thêm nghề sơn nước. Nhờ có nghề nghiệp cùng việc làm ổn định nên cuộc sống gia đình ngày càng ổn định.

Theo tìm hiểu, đây là hai gương mặt trong số hơn 300 đối tượng chấp hành xong án phạt tù trở về các địa bàn thuộc H. Đại Lộc. Để giúp những người lầm lỡ có điều kiện hoàn lương, tại tất cả các xã tại H. Đại Lộc đã thành lập ban chỉ đạo các mô hình quản lý, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỡ gồm lực lượng Công an, các ban ngành, tộc họ tại địa phương. Điển hình như mô hình thắp sáng ước mơ hoàn lương tại thị trấn Ái Nghĩa; thắp sáng niềm tin tại xã Đại Lãnh… Thông qua những mô hình này đã giải quyết việc làm với thu nhập ổn định từ 5 triệu đến 7 triệu đồng/tháng cho gần 160 đối tượng. Ngoài ra, các cơ quan chức năng còn phối hợp với các ngân hàng, như: Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp… tổ chức cho 75 đối tượng vay hơn 2,2 tỷ đồng để phát triển sản xuất. Trung tá Huỳnh Ngọc Quốc- Đội trưởng Đội Cảnh sát thi hành án hình sự Công an huyện Đại Lộc cho biết: Ngoài việc phối hợp cùng chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng bảo đảm cho việc tái hòa nhập cộng đồng cho những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương sinh sống, lực lượng Công an còn chủ động liên hệ với các nhà máy, xí nghiệp đứng chân trên địa bàn tổ chức tiếp nhận, bố trí công việc phù hợp… cho những đối tượng trên làm việc. Nhờ có công việc, thu nhập ổn định nên tỷ lệ đối tượng tái phạm ít xảy ra.

Như vậy, với sự vào cuộc đồng bộ của cơ quan Công an, các cơ quan chức năng và xã hội, những người một thời lầm lỡ đã có đường về và con đường đó vẫn rộng mở.

PV