Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao: Ngành chăn nuôi thêm sức ép
Đối với người chăn nuôi lợn, mặc dù giá sản phẩm bán ra cao, tuy nhiên, việc giá TĂCN liên tục tăng cũng ảnh hưởng tới tiến độ tái đàn của các địa phương. Giám đốc HTX chăn nuôi Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa) Nguyễn Văn Thanh chia sẻ: Để nuôi một con lợn đạt trọng lượng 100kg, trung bình phải tiêu thụ khoảng 10 bao thức ăn loại 25kg/bao, trị giá khoảng 3 triệu đồng. Trước mắt, với giá cám tăng bình quân 30.000 đồng/bao, mỗi con lợn xuất chuồng phải đội thêm chi phí khoảng 300.000 đồng, chưa kể chi phí tiêm vaccine phòng bệnh, công chăm sóc… “Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi còn diễn biến phức tạp, giá con giống, TĂCN tăng nên đến thời điểm này, nhiều gia đình chỉ dám nuôi cầm chừng, không dám tăng đàn vì sợ thua lỗ” – ông Thanh chia sẻ.
Phụ thuộc nguồn nguyên liệu nước ngoài
Giám đốc Công ty cám Nam Thành Nguyễn Văn Chữ cho biết: Từ cuối năm 2020 đến nay, công ty đã có 5 lần điều chỉnh giá TĂCN do hầu hết nguyên liệu đầu vào tăng cao. Ví dụ, bã đậu nành trước đây khoảng 9.000 đồng/kg, đến nay đã tăng lên tới 14.300 đồng/kg; giá ngô từ 4.500 đồng/kg tăng lên 7.000 đồng/kg; đậu tương từ 9.000 đồng/kg lên 13.000 đồng/kg; giá bã rượu khô hiện ở mức 8.400 đồng/kg (mức cao nhất trong vòng 20 năm qua). “Giá nguyên liệu tăng cao là do dịch Covid-19 tác động tới logistics toàn cầu, khiến cước vận chuyển nhiều loại hàng hóa tăng mạnh, trong đó có nguyên liệu TĂCN. Một nguyên nhân nữa là do Trung Quốc đột ngột mua nguyên liệu TĂCN với số lượng kỷ lục dẫn đến giá tăng trên quy mô toàn cầu” – ông Chữ nhận định.
Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương cho biết, mỗi năm ngành nông nghiệp chỉ cung cấp được khoảng 4 triệu tấn cám, 4 triệu tấn sắn để làm nguyên liệu sản xuất TĂCN nhưng nhu cầu thực tế cần tới 27 triệu tấn các loại. Trong khi đó, một số nguyên liệu chính như đậu tương, lúa mì lại không phải là cây trồng thế mạnh của Việt Nam. Việc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu đã tác động mạnh đến sản xuất TĂCN khi các nước xuất khẩu gặp khó khăn như mất mùa hoặc dịch bệnh. Để chủ động nguồn TĂCN, các địa phương cần hướng dẫn người chăn nuôi phát triển mô hình chế biến TĂCN hữu cơ bằng công nghệ, thiết bị nghiền trộn nhỏ và cơ động, phù hợp với loại hình chăn nuôi nông hộ, hợp tác xã. Đồng thời xây dựng mô hình thâm canh trồng cỏ, ngô, lúa kết hợp với công nghệ chế biến thức ăn thô xanh hỗn hợp để giảm chi phí đầu vào trong chăn nuôi.
Hiện, ngành sản xuất TĂCN nước ta vẫn phải nhập khẩu 70 – 80% nguyên liệu từ nước ngoài. Theo thống kê của Bộ Công Thương, năm 2020, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu và TĂCN đạt 3,84 tỷ USD, tăng 3,75% so với năm trước đó. |