Gojek thêm ngày nghỉ để tăng hiệu quả làm việc mùa dịch
Gojek tăng 9 ngày phép cho nhân viên, mỗi tháng có hai ngày không họp hành, khuyến khích nghiên cứu tài liệu trước họp… nhằm nâng cao hiệu quả công việc.
Thứ Sáu không họp hành
Những buổi họp là một phần quan trọng nhằm hoàn thành công việc. Tuy nhiên, đại diện Gojek cho biết, không phải tất cả cuộc họp đều hiệu quả.
Để thay đổi, từ đầu năm nay, hãng gọi xe công nghệ và đặt đồ ăn trực tuyến Gojek đã triển khai “Ngày thứ Sáu không họp hành” mỗi tháng hai lần, bên cạnh những sáng kiến khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân viên làm việc hiệu quả hơn.
Chia sẻ về hình thức này, anh Nguyễn Duy Quang – Trưởng nhóm sáng tạo Bộ phận Marketing Gojek Việt Nam cho biết có những thời điểm khối lượng công việc tồn đọng vì họp hành nhiều, không có thời gian tập trung làm việc. Do đó, những “Ngày thứ Sáu không họp hành” là thời gian để Quang và cả nhóm giải quyết bớt việc cũ, tập trung vào việc đào sâu, triển khai các kế hoạch, ý tưởng đã thống nhất.
“Tôi tận dụng những ngày không cần bận tâm đến lịch họp để sắp xếp lại công việc, nhiều lúc nhờ thế mà đưa ra những ý tưởng và sáng kiến mới”, Duy Quang chia sẻ.
Nhân viên Gojek hưởng ứng ngày thứ Sáu không họp hành.
Cuộc họp yên lặng
Cuộc họp yên lặng (Silent meeting) là một mô hình họp hành khác mà Gojek đang áp dụng để nâng cao hiệu quả thảo luận công việc. Trước khi bước vào các “cuộc họp yên lặng”, mọi người đều phải đọc tài liệu đã được gửi trước đó (dưới dạng văn bản trực tuyến). Trong cuộc họp, mọi người cùng dành một khoảng thời gian nhất định để đọc và suy ngẫm về các ý kiến đóng góp, các câu hỏi trước khi chính thức bước vào phần thảo luận được tính giờ chặt chẽ.
Đại diện đơn vị cho biết, sự chuẩn bị trước giúp tiết kiệm nhiều thời gian của mọi người tham gia dự họp, tránh những nội dung tranh luận không liên quan đến chủ đề. Hình thức này cũng giúp giảm sự mất tập trung như mô hình truyền thống vừa nghe diễn giả trình bày, vừa đọc nội dung trình chiếu.
Chị Hồng Ngọc – Bộ phận Phát triển đối tác tài xế của Gojek Việt Nam cho rằng mô hình này giúp ai cũng có cơ hội đưa ra ý kiến. “Như trước đây, tôi thường đóng vai trò quan sát viên nhiều hơn, vì thường sẽ có một số người nói chính. Nhưng trong ‘Cuộc họp yên lặng’, tôi chỉ cần viết ra thôi, không cần phải giơ tay phát biểu. Ngoài ra, tôi có thể dành thêm nhiều thời gian cho những nội dung mình quan tâm hơn hoặc đọc kỹ hơn những phần chưa hiểu rõ”, chị Ngọc nói.
Gần một tháng nghỉ phép nguyên lương
Đầu năm nay, ban lãnh đạo Gojek quyết định tặng thêm cho mỗi nhân viên chín ngày nghỉ hưởng nguyên lương, bên cạnh phép năm và các ngày nghỉ lễ tết theo quy định. Chương trình này gọi là Gojek Global Holiday (tạm dịch: những ngày nghỉ toàn cầu của Gojek), áp dụng cho tất cả quốc gia Đông Nam Á mà đơn vị hoạt động. Lý do nhân viên được nghỉ thêm, theo thư thông báo của tập đoàn, là “tạo điều kiện cho nhân viên có thêm nhiều thời gian với gia đình và bạn bè, từ đó có sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống một cách lành mạnh hơn”.
Anh Duy Quang cho biết trong năm vừa qua do Covid-19 nên phần lớn thời gian làm việc ở nhà hoặc tuân thủ các quy định về hạn chế đi lại, vì vậy anh và đa số đồng nghiệp đều không dùng hết phép. Tuy nhiên, mọi người rất phấn khích với việc được tặng thêm ngày phép – khi cả công ty nghỉ cùng một ngày, lượng công việc mới phát sinh sẽ giảm đi đáng kể.
“Chúng tôi có thể sử dụng những ngày đó để nạp năng lượng bằng cách đọc sách, học thêm gì đó mới mẻ”, anh Quang nhấn mạnh.
Đây không phải là lần đầu tiên Gojek dùng ngày nghỉ để khuyến khích nhân viên làm việc tốt hơn. Tháng 5/2020, hãng cho toàn bộ nhân viên nghỉ một ngày nguyên lương để giải tỏa căng thẳng do làm việc tại nhà khi dịch Covid-19 bùng phát.
Lá thư của hai CEO của tập đoàn gửi cho nhân viên viết: “Chúng tôi biết mọi người đã nỗ lực rất nhiều và dành nhiều thời gian để duy trì hoạt động kinh doanh trong đại dịch Covid-19. Đây là khoảng thời gian căng thẳng với nhiều người do phải làm việc ngoài giờ liên tục. Hãy tận hưởng những giờ nghỉ ngơi, nhớ đừng kiểm tra email và tin nhắn công việc trong ngày nghỉ này nhé”.
Gorilla – ban nhạc của các nhân viên và lãnh đạo Gojek. Tổng giám đốc Phùng Tuấn Đức chơi ở vị trí trống.
Đánh giá về các sáng kiến trên, ông Phùng Tuấn Đức – Tổng giám đốc Gojek Việt Nam nhìn nhận đây là cách xây dựng một văn hóa “Làm hết mình, chơi nhiệt tình”. Đã đi họp là phải đọc trước tài liệu và chuẩn bị trước nội dung chia sẻ để tận dụng tốt nhất thời gian, trí tuệ của những người tham gia. Còn đã nghỉ là phải dứt hẳn khỏi công việc.
Tổng giám đốc Gojek Việt Nam nhấn mạnh công ty cũng như một cỗ máy với các bánh răng vận động không ngừng. Chỉ khi mọi người tạm dừng cùng một thời gian thì khái niệm nghỉ ngơi mới trở về đúng nghĩa. Sau mỗi kỳ nghỉ, mọi người quay lại công việc vui vẻ hơn và có thể hứng khởi hơn với những ý tưởng, kế hoạch mới mà họ bất chợt nghĩ ra hoặc có thời gian nghiền ngẫm.
“Thời gian nghỉ ngơi chính là một khoản đầu tư dành cho nhân viên. Quan trọng là chúng ta phải đầu tư cho đúng cách và đúng thời điểm. Những nhân viên hạnh phúc sẽ tạo ra một lực lượng lao động hiệu quả”, ông Phùng Tuấn Đức nói thêm.
Minh Huy (Ảnh: Nhật Minh)