Hà Nội bên lề
Sẽ không có gì để nói nếu như chỉ căn cứ vào tấm bản đồ. Cái đường chỉ đỏ vạch ra ranh giới Hà Nội với Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc đã vô cùng phức tạp nhưng đó chưa thực sự là Hà Nội cả về con người lẫn vùng đất.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).
Hà Nội cây, Hà Nội phố, Hà Nội cột đèn, Tháp Rùa, Khuê Văn Các, Hồ Tây, Gò Đống Đa tưởng chừng như rất thân thương đậm đặc bóng hình mà cũng đầy lạ lẫm chìm khuất trong xô bồ cơm áo. Những lao động thời vụ, những người bán hàng rong, những nhân viên trong các tiệm dịch vụ và ngay cả những người chủ cửa hàng trong khu phố cổ thuê nhà bán hàng nhiều khi cũng không hẳn là những con người gắn bó với mảnh đất này. Cái khí chất ăn xổi ở thì của vài người trong số họ làm cho ta thấy rất rõ khoảng cách giữa Hà Nội và những gì ở bền lề của nó. Không chỉ giống như một tờ giấy có đến bốn phía là lề, Hà Nội bao gồm rất nhiều lề sắp xếp không theo một trật tự nào cả.
Những người thợ xây dựng trong các công trình ban ngày hăng say lao động miệt mài tô vẽ nên vẻ đẹp của thành phố thì cũng chính họ đêm đến âm thầm đổ rác thải xây dựng ra đường. Những hàng quán lén lút mở cả đêm tập trung nhiều loại khách không thể nói là không dung dưỡng đám du thủ du thực. Lũ trẻ choai choai tụ tập đua xe đêm thứ Sáu không hẳn chỉ có con cái những nhà khá giả. Thậm chí là con nhà rất nghèo. Nghèo đến mức phải mang chiếc xe máy và sinh mạng của chính mình ra làm đồ chơi. Và Hà Nội về đêm chưa bao giờ vắng bóng những cô gái ăn sương trên vài con phố, vườn hoa tối đèn. Cái phần Hà Nội trong bóng tối ấy cũng không chỉ có ở vùng ven nội. Nó len lỏi cả vào những quận trung tâm thành phố. Nhiều nơi, nó chiếm lĩnh hoàn toàn đêm Hà Nội thơ mộng hiền hòa để biến thành tục tĩu hung dữ và bất an.
Một Hà Nội từ sáng sớm ồng ộc dòng người từ các cửa ô đổ vào. Bắt đầu là những chiếc xe máy chở thực phẩm chồng chất cao như núi không đèn báo hiệu phóng như bay trên đường. Hai con lợn cạo trắng hếu cao ngang ngực đằng trước. Bà vợ ngồi trên hai con cũng trắng đằng sau. Sáu mạng cả sống cả chết ấy nặng không dưới bốn tạ trên chiếc xe máy không bao giờ dùng đến phanh trực chỉ từ các lò mổ ngoại ô chạy vào rải hàng trong phố. Những chiếc xe tải nhỏ cơi thùng đệm nhíp chở gấp ba lần tải trọng đậu sát vỉa hè những con phố vắng dỡ ra rau dưa, gạo nước, củ quả, cá thịt, hoa hoét đủ cho một cái chợ cóc họp đến bảy giờ sáng ở bất cứ nơi nào nội thành. Và hàng ăn xì xoẹt bếp than tổ ong nổi lửa phun khói lâng lâng khắp phố phường đông đúc. Bàn ghế, mái che, ô dù phong phanh tạm bợ chăng đầy các vỉa hè ngõ ngách cứ như chợ làng. Đó là nguồn sống hết sức quan trọng của những cứ dân bên lề thành phố. Họ phục vụ cho đám công chức và nhân viên văn phòng thiếu thời gian dành cho chợ búa nấu nướng hàng ngày. Và cái lực lượng lao động bàn giấy như thế ở thành phố chỉ tăng lên mà chưa bao giờ có dấu hiệu giảm bớt.
Thành phố bao giờ cũng là nơi thí nghiệm cho tất cả những gì mới sinh ra. Bắt đầu là cây cối và cột đèn. Hoa bằng lăng thì nhiều vô kể và cột sắt lục lăng bát giác mạ kẽm nguều ngoào bắt đầu thay thế cho toàn bộ cột bê tông và cột sắt tán đinh. Rồi đến các hình phức kiến trúc trung bình thấp tầng mái đền Parthenon, chóp nhọn củ hành, ngói xám theo kiến trúc thuộc địa Pháp thế kỉ XIX. Rồi đến vỉa hè lát gạch xi măng màu và đá xám khấp kha khấp khểnh chỉ sau vài tháng sử dụng. Rồi đến biển hiệu, cờ quạt, đèn màu, banderole chăng ngang những con phố lớn Bà Triệu, Tràng Thi, Điện Biên Phủ… không ra trang trí cũng chẳng giống tuyên truyền. Nhiều khi nội dung của nó chỉ là một bông hoa! Và những chiếc cầu vượt cho người đi bộ sừng sững án ngữ ngang đường có cái chưa ai kịp vượt đã tháo ra mất rồi. Tất cả những cảnh quan du nhập ấy đã hoàn toàn áp đảo một Hà Nội bình lặng trong veo nề nếp và kín đáo khiêm nhường tinh tế.
Nhưng rồi thì Hà Nội cũng phải xem lại chính mình không sớm thì muộn. Những hàng quán lè phè vỉa hè ban đêm sẽ phải dẹp hết. Ngành cung ứng thực phẩm cho dân phố sẽ vệ sinh trật tự lui vào các cửa hàng, siêu thị và chợ lớn. Cột đèn lục lăng chỉ để ở những con đường đôi gắn đèn cao áp và đưa vào các khu công nghiệp cho công nhân trai gái dập dìu sóng đôi. Hoa bằng lăng sẽ vời vợi tím trời ở riêng những con phố dành cho người thích sự chung thủy. Nhà cửa kiến trúc sẽ đổi thay muôn hình vạn trạng cho hợp với qui hoạch thẩm mĩ của từng con phố. Khẩu hiệu đèn màu chăng ngang đường phải rõ ra trang trí hay tuyên truyền. Và những người sống ở Hà Nội rồi cũng phải biết đứng ngồi, ăn mặc, nói năng cho đúng với vị trí không phải lề của mình.
Là cứ mong như thế!