Hà Nội: Các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đầy ắp hàng hóa phục vụ người dân.

Hôm nay (19/7) – ngày đầu tiên Hà Nội tạm dừng dịch vụ không thiết yếu để phòng chống Covid-19, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đầy ắp hàng hóa phục vụ người dân.

Sáng 19/7, tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đầy ắp hàng hóa phục vụ người dân Hà Nội.

Theo ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tại siêu thị Big C Thăng Long, các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như rau, củ, quả đã đầy ắp, phủ kín kệ hàng, giá cả cũng không khác ngày thường: cải thảo giá 14.700 đồng/kg; khoai tây giá 17.900 đồng/kg; khoai lang: 22.400 đồng/kg.

Tại các kệ đầy ắp hàng hóa, nhất là mặt hàng thực phẩm tươi sống và luôn được nhân viên bổ sung đầy đủ, không có tình trạng cháy kệ, rỗng hàng… Không chỉ đảm bảo đầy đủ hàng tiêu dùng, siêu thị Big C Thăng Long còn tổ chức khuyến mại nhiều mặt hàng.

Siêu thị Big C Thăng Long đã tăng gấp 5 lần lượng thực phẩm tươi sống và gấp 3 lần đối với các mặt hàng đồ khô để phục vụ nhu cầu tăng vọt của khách hàng.

Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết: ”Sau khi tối 18/7 xem trên mạng xã hội thấy hình ảnh người dân chen nhau đi mua lương thực, đồ dùng thiết yếu, sáng nay tôi cũng đã chuẩn bị tâm lý khi đến các siêu thị rằng sẽ rất đông và phải chen nhau. Nhưng vào đây thấy hoạt động diễn ra bình thường, hàng hóa ngập tràn, người mua thưa thớt thậm chí còn vắng hơn những ngày khác nên thấy yên tâm và chỉ mua lượng hàng đủ dùng trong ngày”.

Ghi nhận tại siêu thị Hapro ở phường Thành Công (quận Ba Đình, TP Hà Nội) các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu… đều được sắp xếp ngăn nắp trên các kệ hàng. Không có tình trạng thiếu nguồn hàng hóa cho người dân đến mua.

Các mặt hàng dầu ăn, nước mắm, gia vị đều được nhân viên sắp xếp đầy ngăn kệ để phục vụ khách hàng.

Luôn luôn có nhân viên của siêu thị kiểm soát để không thiếu hàng hóa.

Theo Sở Công Thương Hà Nội: Hiện nay, trên địa bàn TP có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi và 2.382 điểm bán hàng hóa bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa… phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn.

TP Hà Nội rà soát bố trí sẵn sàng 1.920 địa điểm tại các quận, huyện đã bố trí làm kho dự trữ hàng, các điểm bán hàng lưu động khi cần thiết. Trong bất kỳ tình huống nào, Hà Nội vẫn đảm bảo đáp đầy đủ ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân kể cả khi nhu mua sắm tăng cao, không để xảy ra thiếu hàng; phân bổ lượng hóa đầy đủ trong hệ thống, đổi mới nhiều phương thức phục vụ, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng online… để hạn chế tập trung đông người tại hệ thống phân phối.

Thanh Hải – Duy Khánh