Hà Nội sắp tăng phí thu gom, xử lý rác

Việc tăng giá dịch vụ nhằm hạn chế mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Mức phí sẽ được tính theo khối lượng, hoặc thể tích chất thải của mỗi hộ gia đình.

Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Trọng Đông vừa ký ban hành văn bản về việc phân công nhiệm vụ thực hiện các giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn trên địa bàn.

Trước những hạn chế, bất cập trong quản lý chất thải rắn, gây nhiều bức xúc thời gian qua, Phó chủ tịch UBND Hà Nội yêu cầu phân cấp rõ trách nhiệm, chú trọng phân loại rác thải tại nguồn và ưu tiên áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại thay thế chôn lấp.

Tính phí sẽ theo thể tích hoặc khối lượng

Thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đẩy mạnh hệ thống thu gom chất thải rắn tại nguồn ở các khu trung tâm thương mại, căn hộ, chung cư, văn phòng theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng; quy hoạch điểm tập kết, trung chuyển rác thải tập trung bảo đảm vệ sinh.

Sở Xây dựng, Sở Tài chính xây dựng lộ trình tăng dần giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, giảm hỗ trợ từ nguồn ngân sách Nhà nước. Hình thức và mức kinh phí thu gom, xử lý của hộ gia đình, cá nhân phải được tính trên khối lượng hoặc thể tích chất thải theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

“Đơn vị cung cấp dịch vụ xử lý rác thải đáp ứng các tiêu chí về công nghệ, kinh tế, xã hội và môi trường; đảm bảo công khai, minh bạch trong chi trả dịch vụ xử lý rác thải”, chỉ đạo của TP nêu rõ.

Việc xử lý rác thải tại Việt Nam vẫn chủ yếu theo công nghệ chôn lấp. Ảnh: Việt Linh.

Sở Công Thương hướng dẫn chủ đầu tư dự án xử lý chất thải rắn phát điện đảm bảo phù hợp với quy hoạch hoặc bổ sung quy hoạch điện (nếu cần thiết); tham mưu thành phố cơ chế tính giá thành điện đối với các nhà máy đốt rác phát điện và có cơ chế giám sát hợp lý.

Công an thành phố tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về môi trường trong hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn. Chính quyền các địa phương đảm bảo hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu phân loại rác thải tại nguồn, chịu trách nhiệm về công tác duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn.

Xu thế tất yếu

Việc tính phí thu gom, xử lý rác theo khối lượng đã trở thành chủ đề thảo luận sôi nổi ở nhiều kỳ họp Quốc hội. Hầu hết đại biểu đánh giá đây là xu thế chung của các nước phát triển nhằm tăng tính tự giác của người dân trong phân loại và giúp bổ sung nguồn thu để Nhà nước tái đầu tư vào công nghệ xử lý chất thải tiên tiến.

PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, nhìn nhận có 3 nguyên nhân chính khiến các thành phố lớn chậm trễ trong cải tiến công nghệ xử lý rác thải.

Thứ nhất, việc xử lý rác thải ở Việt Nam chưa được coi là ngành nghề sinh lời. Các cơ chế chính sách phức tạp, khó khăn nên rất khó thu hút đầu tư. Hai là khái niệm phân loại rác vẫn rất mới mẻ với người dân nên hầu hết không thực hiện.

Và ba, Nhà nước vẫn chưa có chính sách thu phí phù hợp đối với việc xử lý rác thải nên không có nguồn lực để thực hiện các dự án xử lý công nghệ cao, tốn kém.

“Ta vẫn chưa xã hội hóa được dịch vụ thu gom, xử lý rác. Hiện giờ vẫn là Nhà nước bao cấp, mỗi tháng mỗi hộ nộp gần 10.000 đồng, lấy đâu ra công nghệ xử lý rác tiên tiến, thân thiện môi trường”, vị chuyên gia nhìn nhận.

Theo số liệu của Tổng cục Môi trường, mỗi năm, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt của cả nước là 25 triệu tấn. Trong đó, chỉ có 30% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, hơn 70% chôn lấp trực tiếp. Hà Nội mỗi ngày phát sinh 6.000 tấn rác, tỷ lệ chôn lấp tới 90%, còn ở TP.HCM là xấp xỉ 70%.

Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn khi thành lập có diện tích 83 ha, trong đó 53,49 ha là diện tích bãi rác. Đến năm 2011, Hà Nội tiếp tục mở rộng khu liên hiệp thêm 73,73 ha với 8 ô chôn lấp rác.

Sơn Hà