Kim cương cháy hàng
Theo Bloomberg, thời điểm dịch Covid-19 bùng nổ hồi năm ngoái, nhu cầu tiêu thụ kim cương toàn cầu tuột dốc không phanh. Lượng kim cương thô tồn kho phình to, khiến các nhà sản xuất lớn vô cùng lo ngại.
Tuy nhiên, trong vài tháng qua, các hãng trung gian cắt, đánh bóng và bán kim cương thu mua ồ ạt đá quý thô. Lượng hàng tồn kho được bán sạch. Do đó, những nhà sản xuất kim cương hàng đầu thế giới như De Beers hay Alrosa PJSC bắt đầu tăng giá.
Sự thay đổi chóng mặt diễn ra tại các trung tâm mài giũa kim cương ở Ấn Độ và Antwerp (Bỉ). Không thể đi du lịch, người tiêu dùng giàu có trên thế giới sẵn sàng chi tiền mua các mặt hàng xa xỉ.
De Beers cho biết đã bán được 13,5 triệu carat kim cương trong quý I, gần gấp đôi lượng đá quý hãng khai thác được trong 3 tháng đầu năm. Bloomberg nhận định sự chênh lệch đó cho thấy lượng hàng tồn kho của nhà sản xuất kim cương lớn nhất thế giới đang giảm mạnh.
Nhu cầu kim cương tăng mạnh sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Ảnh: Bloomberg.
Trong khi đó, lượng hàng tồn kho của Alrosa – hãng sản xuất kim cương Nga – giảm tới 60% trong 6 tháng tính đến hết tháng 3 xuống còn 12,8 triệu carat. Đây là mức thấp nhất trong 3 năm qua.
Các nhà sản xuất đang đồng loạt tăng giá kim cương. De Beers đẩy giá lên từ cuối năm 2020 và thu về 1,6 tỷ USD từ 3 đợt bán kim cương thô đầu năm nay. “Alros và De Beers giải phóng được lượng hàng tồn trong năm 2020 mà không làm ảnh hưởng đến giá kim cương. Năm nay, triển vọng sẽ rất sáng sủa”, nhà phân tích Ben Davis của Liberum Capital cho biết.
Dù vậy, ngành kim cương vẫn đối mặt nhiều rủi ro. Ở Ấn Độ, ngành sản xuất kim cương đối mặt nguy cơ đình trệ vì tác động của làn sóng Covid-19 thứ hai. Sản xuất ở Ấn Độ có thể không đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng Trung Quốc và Mỹ.
Phương Linh