Kinh tế các nước sẽ từng bước tăng trưởng trở lại

Kinh tế các nước được dự báo sẽ từng bước tăng trưởng trở lại, mặc dù còn nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của đại dịch trong năm 2021 và có thể kéo dài sang những năm tiếp theo.   

Ảnh minh họa nguồn Internet

Trong thời gian gần đây, việc nhiều quốc gia có những kết quả tích cực trong việc điều chế vaccine COVID-19 làm gia tăng hy vọng về kiểm soát đại dịch vào năm 2021. Tuy nhiên, ngay những tháng đầu năm, làn sóng COVID mới và các biến thể mới của virus đã gây ra nhưng lo ngại cho triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, sự phục hồi nền kinh tế các nước còn tùy thuộc vào khả năng tiếp cận hỗ trợ về y tế, khả năng các chính phủ dỡ bỏ dần các biện pháp cách ly xã hội và hiệu quả của chính sách kích thích kinh tế của từng nước. Theo đó, kinh tế các nước được dự báo sẽ từng bước tăng trưởng trở lại, mặc dù còn nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của đại dịch trong năm 2021 và có thể kéo dài sang những năm tiếp theo.   

Trong báo cáo tháng 1/2021 của IMF, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2021 được dự báo sẽ đạt 5,5%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trước đó (vào tháng 10/2020), phản ánh kỳ vọng về sự tăng cường các hoạt động về vaccine vào cuối năm và hỗ trợ chính sách bổ sung ở một số nền kinh tế lớn. Tuy nhiên, sự lây lan nhanh chóng của các biến thể SARS-CoV-2 mới cũng sẽ tạo rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu. Chỉ số PMI tổng hợp toàn cầu đạt 52,3 điểm trong tháng 1/2021, giảm nhẹ từ 52,7 điểm trong tháng 12/2020. Các nền kinh tế như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Australia cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ trong khi khu vực châu Âu, Nhật Bản, Brazil và Anh chưa cho thấy dấu hiệu cải thiện. Chỉ số PMI ngành sản xuất toàn cầu đạt 53,5 điểm trong tháng 1/2021, giảm nhẹ so với mức 53,8 điểm trong tháng 12/2020, mặc dù đây vẫn một trong những mức cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Chỉ số PMI ngành dịch vụ toàn cầu tiếp tục giảm còn 51,6 điểm vào tháng 1/2021, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2020.
Tình hình một số nền kinh tế chủ yếu
Đầu tháng 2, Thượng viện Mỹ đã duyệt kế hoạch ngân sách chi cho gói cứu trợ COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD do Tổng thống Joe Biden đề xuất. Gói cứu trợ này bao gồm 415 tỷ USD để cải thiện khả năng ứng phó dịch bệnh và triển khai vaccine COVID-19, 1.000 tỷ USD hỗ trợ trực tiếp đến các gia đình và 220 tỷ USD cho các doanh nghiệp nhỏ và cộng đồng chịu ảnh hưởng nặng từ đại dịch. Người dân Mỹ dự kiến được nhận 1.400 USD hỗ trợ thay vì 600 USD theo gói cứu trợ được triển khai từ cuối tháng 12/2020. Bảo hiểm hỗ trợ thất nghiệp sẽ tăng thêm 100 USD/tuần lên tới 400 USD/tuần kéo dài tới tháng 9/2021. Gói cứu trợ này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ kinh tế Mỹ phục hồi trong thời gian tới. Tổ chức Conference Board dự báo Mỹ sẽ tăng trưởng 2% trong quý 1/2021, 4,7% trong quý II và khả năng đạt mức 4,4% cả năm (sau khi giảm 3,5% trong năm 2020).
Đối với khu vực ASEAN, 6 quốc gia lớn nhất ASEAN (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) nhiều khả năng sẽ có sự phục hồi tích cực trong năm 2021. Việt Nam được dự báo sẽ là nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực. Thương mại ngày càng tăng của Việt Nam với EU và các chính sách tài khóa mạnh mẽ của Việt Nam là một trong những yếu tố tích cực giúp nền kinh tế phục hồi tăng trưởng.
Chỉ số PMI đã có những diễn biến tích cực, trong đó: Chỉ số PMI ngành sản xuất của Singapore tháng 1/2021 tăng 52,9 điểm, tiếp theo là của Philippines 52,5; Indonesia 52,2 và Việt Nam 51,3. Với sự cải thiện của lĩnh vực y tế, triển khai vaccine toàn cầu, các lĩnh vực sản xuất của các nước ASEAN dự kiến ​​sẽ phục hồi vào năm 2021. Sự gia tăng trong thương mại bán lẻ và nhu cầu thương mại điện tử là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng. Các hiệp định thương mại tự do mới giữa ASEAN, Australia và New Zealand sẽ mang lại cơ hội thương mại và việc làm cho các nước ASEAN trong thời gian tới.
Khu vực đồng tiền chung châu Âu vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. GDP khu vực giảm 5% trong quý IV/2020 so với cùng kỳ năm 2019, tiếp sau mức giảm 4,3% trong quý III/2020. Trong đó, GDP các nước lớn trong khu vực đều giảm mạnh, cụ thể GDP của Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Italy giảm lần lượt 3,9%, 5%, 9,1% và 6,6%. Chỉ số PMI sản xuất tăng từ 54,8 vào tháng 01/2021 lên 57,7 điểm vào tháng 2/2021, ghi nhận tháng tăng trưởng mạnh nhất trong hoạt động sản xuất kể từ năm 2018. Tỉ lệ thất nghiệp duy trì ở mức 8,3%, trong đó tỉ lệ thất nghiệp cao nhất được ghi nhận ở Tây Ban Nha (16,2%), Italy (9%), Pháp (8,9%). Tuy nhiên, niềm tin kinh doanh giảm đáng kể, duy trì dưới mức 0 từ tháng 9/2019, đạt -0,27 điểm trong tháng 1/2021, niềm tin của người tiêu dùng cũng ở mức rất thấp (-14,8 điểm tháng 1/2021). Lạm phát tăng mạnh lên mức 0,9% vào tháng 1/2021 sau 5 tháng giảm phát trước đó, nhưng vẫn ở mức thấp, cách xa mục tiêu của ECB. Theo đó, ECB đã quyết định duy trì lãi suất cơ bản ở mức 0% và nâng tổng giá trị Chương trình mua sắm khẩn cấp cho đại dịch (PEPP) lên 1,85 nghìn tỷ euro và dự kiến kéo dài chương trình ít nhất đến hết tháng 3/2022.
Kinh tế Nhật Bản tiếp tục đối mặt với những khó khăn do làn sóng COVID-19. Chỉ số PMI đã giảm xuống 45,7 điểm vào tháng đầu tiên của năm 2021. Đây là tháng thứ mười hai liên tiếp chỉ số này suy giảm khi Chính phủ Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở Tokyo do số ca nhiễm COVID-19 gia tăng. Các hoạt động kinh doanh mới đều giảm mạnh. Chính phủ Nhật Bản đang cố gắng hạn chế những trở ngại đối với các hoạt động kinh tế-xã hội bằng cách ban bố tình trạng khẩn cấp trong phạm vi hẹp và có trọng điểm. Tuy nhiên, các nhà phân tích lo ngại những biện pháp này sẽ ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế, thậm chí còn có nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường việc làm và thu nhập của người dân.
Kinh tế Hàn Quốc đang chứng kiến sự phục hồi nhờ xuất khẩu tăng cao trong 2 tháng đầu năm 2021. Chỉ số PMI của Hàn Quốc đã tăng lên 53,2 điểm trong tháng 1/2021 từ 52,9 điểm trong tháng 12/2020. Chỉ số PMI sản xuất mới nhất cho thấy sự cải thiện về sức khỏe của ngành sản xuất, với sự mở rộng mạnh nhất trong lĩnh vực sản xuất trong gần một thập kỷ. Hàn Quốc đã trải qua làn sóng COVID-19 thứ 3 và mạnh nhất trong mùa đông này nhưng số ca mắc mới đang giảm dần trong thời gian gần đây. Xuất khẩu đã tăng với tốc độ nhanh thúc đẩy hy vọng về sự phục hồi mạnh mẽ trong năm nay trong bối cảnh nhu cầu gia tăng đối với công nghệ làm việc tại nhà và thiết bị chăm sóc sức khỏe.
Kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh chóng, thậm chí ngang với trước khi dịch bệnh bùng phát. GDP quý IV/2020 tăng 6,5%, tính chung cả năm 2020, GDP tăng 2,3%. Chỉ số PMI sản xuất duy trì xu hướng tăng, tuy nhiên chỉ số tháng 1/2021 đạt 51,5 điểm, giảm so với mức 53,0 điểm trong tháng 12/2020 do sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19 tại nhiều địa phương. Thặng dư thương mại của Trung Quốc đã tăng lên mức cao kỷ lục mới là 78,17 tỷ USD vào tháng 12/2020 so với mức 47,25 tỷ USD vào tháng 12/2019. Trong đó, xuất khẩu tăng 18% so với cùng kỳ năm 2019 (tăng tháng thứ bảy liên tiếp); và nhập khẩu tăng nhẹ hơn ở mức 6,5% (tăng tháng thứ tư liên tiếp) nhờ nhu cầu toàn cầu đã được cải thiện. Tính chung cả năm 2020, thặng dư thương mại đạt 535,03 tỷ USD, mức thặng dư cao nhất kể từ năm 2015, với xuất khẩu tăng 3,6%, trong khi nhập khẩu giảm 1,1%.
Tình hình một số thị trường
Về thị trường tài chính, theo đánh giá của Bloomberg đối với 90% các nền kinh tế trên toàn cầu, không có ngân hàng trung ương nào dự kiến tăng lãi suất trong năm 2021 để hỗ trợ đà phục hồi của nền kinh tế. Diễn biến phức tạp của dịch cùng với tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát tăng là những nguyên nhân chính khiến các ngân hàng trung ương chưa tăng lãi suất.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ duy trì lãi suất ở mức gần 0% cho đến năm 2023, đồng thời cam kết duy trì chương trình mua trái phiếu với ít nhất là 120 tỷ USD/tháng cho đến khi có tiến triển rõ ràng hơn trong việc đạt mục tiêu tối đa việc làm và lạm phát 2%. Trong khi đó, ECB đã tăng quy mô chương trình mua trái phiếu khẩn cấp lên 1.850 tỷ euro (2.300 tỷ USD) vào tháng 12/2020 và kéo dài tới tháng 3/2022. Việc ngân hàng trung ương các nước có giảm quy mô chương trình này hay không sẽ phụ thuộc chủ yếu vào tình hình dịch. Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất trong năm 2021 sau khi điều chỉnh chương trình kích thích kinh tế trong năm 2020. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã hạ lãi suất xuống các mức thấp kỷ lục do đại dịch, với lãi suất các khoản vay kỳ hạn một năm giảm từ 3,25% xuống 2,95%. PBoC cũng sử dụng các công cụ định lượng như hạ tỉ lệ bắt buộc dự trữ và bổ sung 1.800 tỷ nhân dân tệ (278 tỷ USD) cho các ngân hàng thương mại để cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhờ đó, tăng trưởng tín dụng tại Trung Quốc tăng mạnh, giúp nước này trở thành nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng trong năm 2020. Tuy nhiên, PBoC muốn đưa tăng trưởng tín dụng về mức phù hợp hơn với tăng trưởng kinh tế trong năm 2021. Điều này có nghĩa tốc độ tăng trưởng tín dụng mới sẽ giảm so với năm 2020. 
Về thị trường hàng hóa, giá dầu thế giới tăng cao nhất trong gần 13 tháng do thời tiết lạnh giá kỷ lục trong 30 năm qua và sản lượng dầu thô của Mỹ đã giảm khoảng 2 triệu thùng/ngày. Tính đến trung tuần tháng 2 năm 2021, giá dầu thô tiếp tục leo thang do các dàn khoan của Mỹ bị hạn chế. Theo số liệu của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ – EIA, giá dầu Brent đạt mức 63,79 USD/thùng (tăng 44 cent, tương đương 0,69%); giá dầu thô WTI là 60,46 USD/thùng (tăng 41 cent, tương đương 0,68%). Sản lượng dầu thô của Mỹ đột ngột giảm mạnh là kết quả của nhiều yếu tố, bao gồm việc nhiều giếng dầu ngừng hoạt động và hệ thống vận tải đường bộ bị gián đoạn mà nguyên nhân cốt lõi là do thời tiết quá lạnh.
Tính đến trung tuần tháng 2, giá vàng có xu hướng giảm trên thị trường thế giới. Theo dữ liệu từ sàn giao dịch vàng Kitco, kim loại quý có giá 1.792 USD/ounce (giảm 1,60 USD, tương đương 0,09%). Giá vàng thế giới tiếp tục giảm sau khi trụ trên ngưỡng 1.820 USD/ounce hai phiên liên tiếp, lao mạnh qua ngưỡng 1.800 USD xuống ngưỡng 1.700 USD/ounce. Theo nhận định của các chuyên gia, trong ngắn hạn, giá vàng có thể chịu thêm áp lực đi xuống bởi lợi suất trái phiếu và đồng USD đều tăng do kỳ vọng về các biện pháp kích thích kinh tế và các khoản chi tiêu tiềm năng của Chính phủ Mỹ.
An Bình