Kinh tế Hải Phòng “thức giấc” ngoạn mục

Nhờ sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng, kinh tế Hải Phòng tăng trưởng ngoạn mục. Sự quyết liệt của lãnh đạo Thành phố làm thay đổi bộ mặt kinh tế – xã hội địa phương.
Bà Đỗ Thị Dinh quê ở Thái Thụy (Thái Bình) lấy chồng về xã Kiến Thiết (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng). Bà kể ngày cưới cách đây hơn 40 năm, bà phải đi “qua 2 lần đò” mới về được nhà chồng. Khổ hơn, để đón được dâu mới về, gia đình họ nhà trai còn phải đi tới “4 lần đò”, trong khi 2 nhà cách nhau chỉ khoảng hơn 10 km.
Những năm 1970, từ xã Kiến Thiết, người dân phải đi đò qua bến Đăng để sang huyện Vĩnh Bảo. Sau đó, từ huyện Vĩnh Bảo phải đi thêm một lần đò nữa qua sông Hóa để sang địa phận Thái Bình. Sau đó, đến những năm 1980, Hải Phòng thay thế đò bằng cầu phao. Việc đi lại thuận tiện hơn nhưng đến những năm 2000, cầu phao trở nên lỗi thời, quá tải, nguy hiểm.
Hải Phòng là thành phố cảng, cửa ngõ thông thương quan trọng của Việt Nam với thế giới. Tuy vậy, ngoài những tuyến đường huyết mạch ra vào cảng, giao thông của Hải Phòng còn chưa phát triển. Với sông ngòi dày đặc vùng cửa biển, hạ tầng hạn chế lại càng khiến kinh tế bị kìm hãm.
Bước ngoặt bắt đầu từ năm 2016, khi Hải Phòng tập trung mạnh mẽ đầu tư vào hạ tầng giao thông, trong đó có việc xóa cầu phao, thay bằng cầu bê tông. Chỉ sau vài năm, thành phố này làm được 46 cây cầu, xây dựng hàng trăm km đường tỉnh lộ, huyện lộ, hàng nghìn km đường liên xã, liên thôn. Cũng bởi sự thay đổi đó, Hải Phòng thu hút đầu tư mạnh mẽ, đưa kinh tế tăng trưởng ngoạn mục.
Nhiều người nói rằng kinh tế Hải Phòng đã “thức giấc” sau hàng chục năm ngủ quên, vươn lên xứng đáng với vị thế thành phố lớn thứ ba cả nước.
Từ 2.000 năm trước, Hải Phòng được biết đến với tên gọi An Biên, nơi danh tướng Lê Chân lập ấp để trấn giữ vùng đất hiểm yếu gần biển. Đến thời Mạc, Hải Phòng đổi tên thành Dương Kinh, bắt đầu có sự giao thương cảng biển. Nhà bác học Issac Newton người Anh cũng từng nhắc đến Hải Phòng với tên gọi Domea trong các cuốn sách của mình, nơi ông được biết thông qua các nhà thám hiểm người Anh.
Tuy vậy, phải đến cuối thế kỷ XIX, khi người Pháp quyết tâm xây dựng Hải Phòng thành thành phố cảng, phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa, thành phố mới có tên trên bản đồ thế giới.
Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer từng mô tả rằng người Pháp đã tranh cãi rất nhiều khi chọn hữu ngạn sông Cấm để làm cảng biển và lập thành phố. Hải Phòng có rất nhiều sông, nhưng chọn được một đoạn sông có độ sâu, không quanh co, vừa có chi phí nạo vét thấp, lại vừa thuận tiện kết nối với Hà Nội… là điều không đơn giản.
Sông ngòi là lợi thế giúp Hải Phòng hình thành nên cảng biển sầm uất như ngày hôm nay, nhưng sông ngòi lại là điểm yếu khi chia cắt các khu vực của Hải Phòng, khiến giao thông khó khăn, khó phát triển kinh tế.
Hải Phòng có mật độ sông ngòi thuộc hàng cao nhất miền Bắc, cứ 1 km2 diện tích lại có 0,6-0,8 km sông. Nhiều con sông lớn chảy ra thành phố như sông Đá Bạc – Bạch Đằng, sông Cấm, sông Thái Bình, sông Lạch Tray, sông Văn Úc…
Trước năm 2015, ngoài quốc lộ 5 nối Hà Nội – Hải Phòng để đi ra cảng biển, thành phố gần như nằm biệt lập với các vùng xung quanh bởi sự ngăn cách giữa các con sông. Ở phía bắc, Hải Phòng ngăn cách với Quảng Ninh bởi sông Bạch Đằng, gần như không có một cây cầu nào bắc qua, muốn đi lại chỉ có cách là đi đò và đi phà.
Tương tự ở phía nam, Hải Phòng ngăn cách với Thái Bình bởi sông Thái Bình, cũng gần như không có cây cầu kiên cố nào, chỉ có cầu phao hoặc đi đò. Phía tây, Hải Phòng ngăn sách với Hải Dương bởi sông Kinh Thầy, sông Văn Úc và một số nhánh của sông Thái Bình, hạ tầng cũng kém phát triển tương tự.
Bản thân các quận huyện của Hải Phòng cũng bị chia cắt bởi các con sông, khiến sự phát triển không đồng đều. Huyện Thủy Nguyên trước kia gần như biệt lập và nghèo nàn dù chỉ cách trung tâm thành phố con sông Cấm. Sông Lạch Tray và sông Văn Úc chia cắt các huyện ở phía nam là Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão… với trung tâm thành phố. Các huyện này từng được đánh giá như bị “ngủ quên” trước sự phát triển của thành phố.
Nhận thấy hạ tầng là điểm nghẽn cốt tử, từ đầu nhiệm kỳ 2016-2020, Hải Phòng đã chú trọng phát triển hạ tầng và coi là đột phá để phát triển kinh tế – xã hội. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng, trong giai đoạn 2016-2020, Thành phố đã huy động 44.000 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng giao thông, gấp 1,8 lần giai đoạn 2011-2015.
Ngoài những công trình mang tính quốc gia như cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Hải Phòng – Hạ Long, mở rộng quốc lộ 10, cầu đường Tân Vũ – Lạch Huyện…, Hải Phòng đã xây mới được 46 cây cầu, hàng trăm km đường tỉnh lộ, huyện lộ và hàng nghìn km đường liên thôn, liên xã.
Năm 2019, cầu Hoàng Văn Thụ nối liền trung tâm thành phố với huyện Thủy Nguyên được khánh thành với số tiền 2.200 tỷ đồng. Một loạt cây cầu cứng bê tông đã và đang được thi công nhanh chóng để xóa cảnh lụy đồ, cầu phao, tăng kết nối vùng cho Hải Phòng.
Đó là cầu sông Hàn nối Tiên Lãng với Vĩnh Bảo; cầu sông Hóa kết nối huyện Vĩnh Bảo với huyện Thái Thụy; cầu Quang Thanh nối huyện An Lão với huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương), qua sông Văn Úc; cầu Dinh nối huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) với thị xã Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) qua sông Kinh Thầy…
Trong nội đô, nhiều nút giao thông trọng được đầu tư cải tạo mở rộng hoặc xây cầu vượt như nút giao Nguyễn Bỉnh Khiêm – Đình Vũ, Lê Hồng Phong – Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Văn Linh – Võ Nguyên Giáp, Nam Cầu Bính…
Hải Phòng cũng hỗ trợ xi măng từ ngân sách để xây dựng nhiều tuyến đường thôn, xóm, khu dân cư với tổng chiều dài hơn 1.400 km.
Những trục đường mới đang mở ra các không gian phát triển mới, tạo điều kiện thu hút đầu tư. Cầu Hoàng Văn Thụ mở ra triển vọng phát triển cho cả huyện Thủy Nguyên, nơi được ví như bán đảo Thủ Thiêm ở TP.HCM. Các đại lộ Nguyễn Trường Tộ, Mạc Thái Tổ… mở ra những không gian đô thị mới, quỹ đất phát triển mới cho thành phố ở phía đông và phía tây.
Dự kiến hạ tầng Hải Phòng còn thay đổi vượt bậc hơn nữa khi 5 năm 2021-2025, Thành phố dự kiến xây 100 cây cầu nữa với số tiền 38.000 tỷ đồng. Hải Phòng đang được đánh giá là vùng phát triển về hạ tầng thuộc hàng nhanh nhất cả nước.
Người Hải Phòng thường có câu: “Hải Phòng có bến Sáu Kho/Có sông Tam Bạc có lò xi măng”. Câu nói phản ánh rõ được những nét đặc trưng về kinh tế của thành phố. “Bến Sáu Kho” là nơi mà người Pháp xây dựng 6 nhà kho lớn những ngày đầu lập cảng biển trước kia. “Lò xi măng” để chỉ nơi đây từng rất phát triển công nghiệp xi măng với hệ thống núi đá vôi trữ lượng lớn.
Từ đó có thể thấy kinh tế Hải Phòng chủ yếu phụ thuộc vào cảng biển và công nghiệp.
Từ thế kỷ trước, kinh tế Hải Phòng thường được gắn với những ngành công nghiệp nặng, hoặc thâm dụng lao động. Ở thành phố này vẫn còn quen thuộc với những cái tên như “máy tơ” (nhà máy sản xuất tơ), “máy chai” (nhà máy sản xuất thủy tinh), “máy chỉ” (nhà máy dệt)…, hay những nhà máy cơ khí “ca-rông”, “com-ben”,”sắc-rích”…
Đến những năm 2000-2010, kinh tế Hải Phòng vẫn chủ yếu phụ thuộc vào cảng biển là chủ yếu. Một số ngành công nghiệp như đóng tàu, sản xuất xi măng… cũng chững lại, không bứt phá.
Năm 2010, tổng thu ngân sách của Hải Phòng là khoảng 30.000 tỷ đồng, trong đó thu từ hoạt động xuất nhập khẩu chiếm tới 24.000 tỷ, nghĩa là chiếm 80%. Thu nội địa cân đối ngân sách chỉ khoảng gần 6.000 tỷ. Số thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu phần lớn thuộc về trung ương, do đó, số chi ngân sách của Hải Phòng rất hạn chế.
Hơn 10 năm trước, chi thường xuyên của Hải Phòng đã là 3.700 tỷ, chi cho đầu tư phát triển chỉ khoảng 1.000 tỷ. Đến năm 2015, số thu ngân sách đạt 50.000 tỷ, nhưng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 37.000 tỷ, vẫn chiếm tới 74%.
Như vậy, Hải Phòng cùng lúc phải giải 2 bài toán song song, đó là vừa phải huy động được nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông, nhưng cũng phải chú trọng phát triển kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào kinh tế cảng biển như trước.
Nhờ sự cải thiện vượt bậc về hạ tầng trong 5 năm qua, Hải Phòng đã thu hút được nhiều dự án của các nhà đầu tư lớn. LG đầu tư vào Hải Phòng 6 tỷ USD, đưa nơi đây trở thành cứ điểm sản xuất hàng đầu của mình trên thế giới. VinFast cũng đã đầu tư 4 tỷ USD vào Hải Phòng. Nhiều nhà đầu tư khác như AEON, Bridgestone, Geleximco, Sun Group… cũng đã có những dự án lớn tại đây.
Theo Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên, lũy kế hết năm 2020, Thành phố đã thu hút được 567 dự án trong và ngoài nước (gồm 400 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 16 tỷ USD và 167 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 146.000 tỷ đồng).
Nhờ những bước chuyển về cả hạ tầng và thu hút đầu tư, giai đoạn 2016-2020, Hải Phòng đã có những bước tiến dài trong phát triển kinh tế – xã hội. GRDP bình quân 5 năm 2016- 2020 tăng 13,94%/năm, gấp 1,3 lần mục tiêu, gấp 2 lần giai đoạn trước.
Quy mô kinh tế tiếp tục được mở rộng, năm 2020 ước đạt 280.000 tỷ đồng, đứng thứ 2 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 5.863 USD, gấp gần 2 lần của cả nước (3.000 USD).
Đáng chú ý, cơ cấu kinh tế đã dần không phụ thuộc vào cảng biển nữa. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP tăng từ 25,12% năm 2015 lên 39,15% năm 2020. Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo tăng nhanh từ 16,4% năm 2015 lên 45,5% năm 2020.
Đặc biệt trong giai đoạn 2016-2020, khu vực công nghiệp – xây dựng có bước phát triển nhảy vọt, tăng từ 39,91% năm 2015 lên 52,99% năm 2020. Tỷ trọng giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ giảm từ 52,56% năm 2015 còn 42,09%.
Anh Trương Văn Thắng là cán bộ giám sát của nhà thầu tại công trình cầu Rào mới, một trong những công trình trọng điểm được đầu tư 2.300 tỷ của Hải Phòng. Bởi vậy mà anh Thắng được tham gia những buổi họp giao ban hàng tuần để đốc thúc tiến độ.
“Không khí rất quyết liệt, không có sự nể nang. Mọi khó khăn đều được bàn đến cùng, truy trách nhiệm đến người cụ thể”, anh Thắng kể lại.
Theo định kỳ, mỗi tuần một lần, các cơ quan chức năng của Hải Phòng sẽ ngồi lại để rà soát tiến độ dự án, đây là một trong những mô hình mà thành phố duy trì để đốc thúc những dự án trọng điểm, cũng là để giám sát và quản lý chất lượng công trình.
Cầu Rào mới là một trong những dự án cầu lớn nhất đang được Hải Phòng triển khai nằm ở trung tâm thành phố, thay thế cho cây cầu cũ 40 năm đã được phá bỏ năm 2020.
Ông Đỗ Anh Tuấn, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng, nói rằng để mở rộng cầu, khó khăn lớn nhất là giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố rất quyết liệt, yêu cầu các quận, huyện phải ưu tiên công việc, đảm bảo bàn giao mặt bằng đúng tiến độ cho nhà thầu.
Trong 5 năm qua, có những cây cầu được hoành thành chỉ sau 7 tháng thi công là cầu sông Hóa, dự án xóa cầu phao cuối cùng của Hải Phòng. Các cây cầu như sông Hàn, cầu Đăng cũng hoàn thành trong thời gian tương tự. Một dự án lớn là cầu Hoàng Văn Văn Thụ chỉ hoàn thành sau chỉ hơn 2 năm thi công.
“Chúng tôi gắn trách nhiệm với người đứng đầu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ theo những phương châm cụ thể”, ông Lê Anh Quân, Phó chủ tịch thường trực UBND TP Hải Phòng, chia sẻ.
Ông còn cho biết việc làm hạ tầng là một sự cố gắng lớn bởi nó liên quan đến nhiều vấn đề như quy hoạch, huy động nguồn lực, giải phóng mặt bằng, thủ tục thực hiện dự án… Hải Phòng đã có những cách làm khác biệt để thực hiện quyết liệt giải phóng mặt bằng.
Thành phố đã thu hồi gần 10.500 ha đất, ảnh hưởng đến 54.000 hộ gia đình, trong đó có 11.000 hộ phải tái định cư. Đây được coi là chiến dịch thu hồi, giải phóng mặt bằng, tái định cư lớn nhất trong lịch sử Hải Phòng. Tuy nhiên, thành phố lại nhận được sự đồng thuận rất cao của người dân, khi thực hiện công việc với nguyên tắc người dân phải đạt được lợi ích cao nhất.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng bản thân Hải Phòng đã là một vùng đất nắm giữ rất nhiều lợi thế để thu hút đầu tư. Hải Phòng có cảng biển quốc tế, sân bay, đường sắt, đường cao tốc… Thành phố cũng có vị trí chiến lược nằm ở vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Do đó, vấn đề của Hải Phòng là tận dụng lợi thế ra sao để thu hút đầu tư.
Ông phân tích chìa khóa để Hải Phòng tận dụng lợi thế và thu hút đầu tư chính là đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng. Song song với đó là xây dựng các khu công nghiệp rộng lớn, có mặt bằng sạch để chào đón nhà đầu tư.
Một ví dụ được nêu ra là huyện Thủy Nguyên, chỉ cách trung tâm thành phố là con sông Cấm, nhưng nếu không có cầu Bính nối với trung tâm thì rất khó phát triển công nghiệp. Khi cầu Bính được xây dựng, sau đó là cầu Hoàng Văn Thụ, kết nối thuận tiện giúp Thủy Nguyên tận dụng được quỹ đất lớn, nguồn nhân công dồi dào. Thành công của khu công nghiêp VSIP Hải Phòng là một minh chứng cho điều này.
Tương tự, nếu không có cầu Tân Vũ – Lạch Huyện, vùng Cát Hải vẫn chỉ là một hòn đảo với nghề chính là nuôi trồng thủy sản.
Đến nay, nhờ hạ tầng phát triển, Hải Phòng đã tạo ra một số cực phát triển công nghiệp là Tràng Duệ, Thủy Nguyên Nam Cầu Kền, Cát Hải… Ngoài ra còn có khu vực xung quanh cảng Đình Vũ để phát triển dịch vụ kho vận, logistics… Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Hải Phòng đang chuẩn bị quỹ đất lên tới 6.400 ha để thu hút những doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.
Ông Lê Anh Quân cho rằng có hạ tầng, có mặt bằng vẫn là chưa đủ để thu hút các nhà đầu tư lớn. Ông cho biết Thành phố đã quan tâm đặc biệt đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) từ vị trí 28 năm 2015 lên thứ 10 vào năm 2019, xúc tiến đầu tư tại chỗ, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng quỹ đất…
PGS TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng Hải Phòng cần rất cảnh giác với sự chững lại sau một giai đoạn phát triển nóng. Bài học là một số địa phương khác, sau khi có dự án lớn hoạt động, vài năm sau đó là tốc độ tăng trưởng chững lại.
“Điều này đòi hỏi Thành phố phải liên tục thu hút đầu tư, tạo ra những động lực mới, giữ vững đà tăng trưởng”, ông Tuấn nói.
Ông Vũ Tiến Lộc thì cho rằng Hải Phòng cần chú trọng đến chất lượng tăng trưởng. Ngoài các ngành như logistics, phát triển công nghiệp phụ trợ, Hải Phòng cần chú trọng các ngành công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn.
“Hải Phòng có quyền chọn nhà đầu tư bởi lợi thế của mình rất lớn. Do đó, phải rất cân nhắc, tránh thu hút đầu tư ồ ạt và bất chấp. Song song đó cũng cần chú trọng phát triển đô thị đồng bộ, chất lượng”, ông nói.
Ông cũng đánh giá một vấn đề của Hải Phòng nữa là việc phát triển đồng đều các quận, huyện. Hiện tại, các huyện phía nam như Vĩnh Bảo, An Lão, Tiên Lãng vẫn chưa tìm được động lực để vươn lên nhanh. “Các huyện này có thể có cơ cấu kinh tế phù hợp hơn, khác với các quận khác. Hoặc Hải Phòng có thể liên kết để bổ trợ kinh tế cho các tỉnh xung quanh như Thái Bình, Hải Dương”, vị Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình nói.
Ở Tiên Lãng, bà Đỗ Thị Dinh nói rằng sau khi cầu Đăng, cầu Hóa được khánh thành, người dân có thể dễ dàng đi lại giữa các huyện, các tỉnh với nhau. Bản thân bà cũng dễ dàng về thăm quê hương, các con bà có thể dễ dàng ra trung tâm thành phố làm việc. Tuy vậy, Tiên Lãng hay Vĩnh Bảo vẫn còn “nghèo lắm” so với các quận trung tâm.
“Tôi mong dăm mười năm nữa, Hải Phòng sẽ giàu hơn nữa. Chục năm trước tôi cũng đâu nghĩ cuộc sống tốt như bây giờ”, bà Dinh nói.
Hiếu Công
Ảnh: Việt Linh – Video: Duy Anh
Đồ họa: Hà My
Theo Zing