Khi nào cán bộ, công chức được từ chức?
Việc từ chức đối với công chức được thực hiện trong các trường hợp: Công chức tự nguyện, chủ động xin từ chức để chuyển giao vị trí lãnh đạo, quản lý; công chức nhận thấy không đủ sức khỏe, năng lực, uy tín để hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao; công chức nhận thấy sai phạm, khuyết điểm của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc của cấp dưới có liên quan đến trách nhiệm của mình; công chức có nguyện vọng xin từ chức vì các lý do cá nhân khác.
Tuy nhiên, Luật CBCC không quy định cụ thể khi nào thì CBCC không được từ chức. Đối chiếu với quy định tại điều 7 Quy định 260-QĐ/TW, Bộ Chính trị có liệt kê các trường hợp cán bộ không được từ chức gồm: Đang đảm nhận nhiệm vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; đang đảm nhận nhiệm vụ trọng yếu, cơ mật, chưa hoàn thành nhiệm vụ mà cần tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ do bản thân cán bộ đã thực hiện; nếu việc từ chức của cán bộ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiệm vụ mà đơn vị được giao; đang trong thời gian chịu thanh tra, kiểm tra, điều tra của cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan bảo vệ pháp luật.
Sau khi từ chức, theo quy định tại khoản 2 điều 54 Luật CBCC, công chức được bố trí công tác phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo hoặc nghỉ hưu, thôi việc. Nếu chưa được cấp có thẩm quyền đồng ý cho từ chức thì vẫn phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Đây cũng là quy định nêu tại khoản 4 điều 3 Quy định 260. Cụ thể, cán bộ khi chưa có quyết định cho từ chức thì vẫn phải tiếp tục thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.