Lộ trình tăng học phí ĐH: Làm sao để không “sốc”?
Khối Y – Dược tăng mạnh
Mới đây, ĐH Y Dược Thái Bình đã công bố đề án tuyển sinh năm học 2021-2022. Điều đáng chú ý là mức học phí mới của trường tăng khá mạnh.
Theo đề án, mức học phí dự kiến của ngành Y đa khoa, Y học cổ truyền, Dược học áp dụng cho sinh viên tuyển sinh năm 2021 là 24,5 triệu đồng/năm, các ngành Y học dự phòng, Điều dưỡng là 18,5 triệu đồng/năm học. Trong khi đó, mức học phí hiện nay là 14,3 triệu đồng/năm học, áp dụng cho tất cả ngành. Như vậy, mức tăng học phí là 29-71%.
Nhóm ngành Y – Dược hiện có học phí ở mức cao nhất, có trường lên tới gần 200 triệu đồng/năm. Độ chênh lệch cũng rất lớn giữa trường ngoài công lập và công lập.
Tại Khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM), học phí cho ngành Y khoa chất lượng cao là 65 triệu đồng/năm, Răng-Hàm-Mặt chất lượng cao là 88 triệu đồng/năm và Dược học chất lượng cao là 55 triệu đồng/năm.
Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) cũng dự kiến tăng học phí. Học phí mới cao nhất là 32 triệu đồng/năm, áp dụng bao gồm học sinh có hộ khẩu TP.HCM. Các ngành điều dưỡng, dinh dưỡng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, khúc xạ nhãn khoa, y tế công cộng là 28 triệu đồng/năm.
Học phí này chưa bao gồm 2 học phần bắt buộc giáo dục thể chất và giáo dục quốc phòng – an ninh được thu theo quy định hiện hành. Theo nhà trường, đây là đơn giá học phí dự kiến được áp dụng trong năm học 2021-2022, để đáp ứng nhu cầu cao về chất lượng nhân lực y tế khi tốt nghiệp ĐH.
Trong khi đó, năm học 2020-2021, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tạm thu học phí năm I khối đại học chính quy đối với sinh viên có hộ khẩu TP.HCM là 14,3 triệu đồng/năm. Sinh viên hộ khẩu các tỉnh, thành khác đóng 28,6 triệu đồng/năm.
Nhóm ngành Y – Dược hiện có học phí ở mức cao nhất (Ảnh tư liệu)
Khối Y các trường ngoài công lập còn có mức học phí rất cao lên hàng trăm triệu. Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng đào tạo các ngành Y khoa, Răng-Hàm-Mặt, Dược học, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng. Trường có học phí ngành cao nhất là 198 triệu đồng/năm. Đây được xem là đơn vị có mức học phí cao nhất hiện nay.
Trường ĐH Hoa Sen năm 2021 dự kiến bắt đầu đào tạo các ngành Răng-Hàm-Mặt, Dược học, Quản lý bệnh viện, Kỹ thuật y sinh. Học phí, từ 55-180 triệu đồng/năm, tùy ngành.
Trường ĐH Văn Lang đào tạo các ngành Răng-Hàm-Mặt, Điều dưỡng, Dược học, Kỹ thuật xét nghiệm y học. Năm 2021, dự kiến mở thêm ngành Y khoa, Y học cổ truyền. Học phí ngành cao nhất là 165 triệu đồng/năm (4,48 triệu đồng/tín chỉ x 221 tín chỉ (6 năm)= 990 triệu đồng/khóa).
Các trường khác đều thông báo tăng học phí
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng đưa ra mức học phí năm 2021 dự kiến cho chương trình đào tạo chuẩn từ 22 – 28 triệu đồng/năm; các chương trình đào tạo tài năng, tiên tiến và chất lượng cao (ELiTECH) từ 40 – 45 triệu đồng/năm.
Các chương trình như: Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (IT-E10, IT-E10x); Công nghệ thông tin Việt Pháp (IT-EP, IT-EPx); Logistic và quản lý chuỗi cung ứng (EM-E14, EM-E14x) đều có học phí từ 50 – 60 triệu đồng/năm. Ngoài ra, học phí của chương trình Tiếng Anh chuyên nghiệp quốc tế từ 45 – 50 triệu đồng/năm; chương trình đào tạo quốc tế từ 55 – 65 triệu đồng/năm; chương trình hợp tác đào tạo với ĐH Troy khoảng 80 triệu đồng/3 kỳ/năm.
Lãnh đạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay, theo lộ trình tăng học phí từ năm 2020 đến 2025, mức tăng trung bình khoảng 8%/năm học và không vượt quá mức 10%/năm học đối với từng chương trình đang triển khai đào tạo để phù hợp với lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo vào học phí đến năm 2025.
Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, học phí hệ chính quy chương trình chuẩn năm học 2021-2022 theo ngành học cho khóa 63 (tuyển sinh năm 2021) từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng/năm học. Học phí các chương trình đặc thù từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng/năm học. Theo nhà trường, lộ trình tăng học phí không quá 10% hàng năm và không quá trần theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP.
Học viện Ngân hàng công bố mức học phí năm học 2021-2022 sẽ áp dụng theo quy định mới về khung học phí. Học phí các chương trình tiên tiến, chất lượng cao hoặc học bằng tiếng Anh là 130 triệu đồng/4 năm. Chương trình cử nhân quốc tế (liên kết với Đại học CityU) dao động từ 120-160 triệu đồng/4 năm. Chương trình cử nhân quốc tế (liên kết với Đại học Sinderland, Vương quốc Anh) học phí khoảng 315 triệu đồng bao gồm 3 năm đầu khoảng 175 triệu đồng. Chương trình cử nhân định hướng Nhật Bản cấp bằng đại học chính quy của Học viện Ngân hàng là 108 triệu đồng cho 4 năm học.
Trông chờ hết vào học phí?
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2015/NĐ-CP. Dự thảo quy định các cơ sở giáo dục trước khi tuyển sinh hoặc xét tuyển phải công bố, công khai mức thu học phí, chi phí đào tạo cho từng năm học, cấp học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, lộ trình tăng học phí (nếu có) cho từng năm học và dự kiến cho cả khóa học đối với giáo dục ĐH.
Cơ sở giáo dục có trách nhiệm công khai, giải trình chi phí đào tạo, mức học phí, lộ trình tăng học phí cho từng năm học, cấp học, khóa học; công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng theo quy định; công khai chính sách miễn, giảm học phí và mức thu, miễn giảm học phí trong trường hợp xảy ra thiên tai, dịch họa.
Dự thảo quy định mức tăng học phí tối đa mỗi năm học không quá 10% đối với giáo dục mầm non, phổ thông và không quá 15% đối với đào tạo ĐH (riêng mức thu năm học 2021 – 2022 không được vượt quá mức thu học phí năm học 2020 – 2021). Nhưng đa số các trường đều đã thông báo tăng học phí so với năm trước.
Việc thực hiện tăng học phí ĐH phải có lội trình và đi kèm giải trình về chất lượng (Ảnh tư liệu)
TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng: Các trường ĐH không thể trông hết nguồn thu vào học phí. Với các trường tư, học phí của người học có vai trò quan trọng, nhưng với trường công lập vẫn có đóng góp của ngân sách Nhà nước. Và tất cả các trường không kể công hay tư đều có các nguồn kinh phí khác có thể kể ra: Ngân sách, nghiên cứu khoa học, đặt hàng đào tạo, tài trợ…
Đồng quan điểm, GS.TS Phạm Tất Dong – Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: Khi một trường ĐH phải tự chủ về chi tiêu thì sẽ phải chịu áp lực rất lớn về tài chính. Tuy nhiên, có một thực tế phải chú ý là nếu các trường ĐH muốn tính đúng, tính đủ nhưng cuộc sống thực của người dân không được như vậy thì có thể rất nhiều sinh viên không theo học được.
“Trần học phí cao thì sinh viên khó theo, các trường không thể quy hết nguồn thu và chi phí vào học phí, và khi tăng, phải có lộ trình, phải thông báo rõ, tránh gây sốc khi đường đột năm sau tăng gấp đôi, gấp 3, so với năm trước, đồng thời phải có trách nhiệm tăng chất lượng đào tạo đi kèm” – GS.TS Phạm Tất Dong nói.
Tất cả các cơ sở giáo dục phải công bố công khai chi phí đào tạo, mức thu học phí và khoản thu dịch vụ khác cho cả lộ trình, khóa học, từng năm học cùng với thông báo tuyển sinh và trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục quy định tại Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28-12-2017 của Bộ GD&ĐT về quy chế thực hiện công khai đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. |
Phan Thủy