– TS NGUYỄN VINH HUY – Chủ tịch sáng lập Hệ thống Luật Thịnh Trí, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam – trả lời: Theo quy định của Luật Trẻ em, việc dụ dỗ, lôi kéo trẻ em đi lang thang và lợi dụng trẻ em lang thang để trục lợi là một trong những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm, tùy tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự.

Về xử phạt hành chính: Theo quy định tại điểm b khoản 2 điều 23 Nghị định 144/2013/NĐ-CP, việc lợi dụng trẻ em lang thang để trục lợi sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm. Việc tổ chức, ép buộc trẻ em đi xin ăn hoặc sử dụng trẻ em để xin ăn sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng theo quy định tại điểm a, b khoản 3 điều 27 Nghị định 144/2013/NĐ-CP; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Về xử lý hình sự: Nếu đối tượng lợi dụng trẻ em để đi ăn xin trục lợi có hành vi chăn dắt ép buộc, đối xử tàn ác, bắt trẻ em làm công việc nặng nhọc, độc hại, đánh đập, gây thương tích… mà đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì các đối tượng này sẽ bị xử lý hình sự về tội phạm tương ứng (tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”, tội “Hành hạ người khác”, tội “Làm nhục người khác” hoặc tội “Vi phạm quy định về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi”…) theo quy định Bộ Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Người vi phạm có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Ngoài ra, người đứng đầu chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, trẻ em lang thang kiếm sống trên địa bàn.

Trường Hoàng