Mướp- Loại quả dân gian giúp thanh nhiệt, giải độc hiệu quả
Quả mướp chứa saponin, chất nhày, chất béo, protein, rất nhiều nước; có protid, lipid, glucid, xenluloza, chất vô cơ (calci, phospho, sắt…); vitamin B1, B2, C, betacaroten; saponin và một số chất khác.
Theo Đông y, quả mướp vị ngọt, tính bình; vào kinh can và vị; tác dụng thanh nhiệt hóa đàm, lương huyết giải độc. Chữa sốt cao, phiền khát, ho suyễn nhiều đờm, khí hư huyết lâm, mụn nhọt ung thũng, táo bón… Lá mướp vị ngọt tính hơi hàn; tác dụng thanh nhiệt giải độc chỉ khái, chỉ huyết. Xơ mướp (tên thuốc là ty qua) vị ngọt tính bình; tác dụng thông kinh hoạt lạc, thanh nhiệt hóa đàm, lợi thủy tiêu thũng. Thân dây mướp vị ngọt tính bình; tác dụng thông kinh hoạt lạc, thanh nhiệt hóa đàm, chỉ khái. Rễ mướp vị ngọt tính bình; tác dụng hoạt huyết thông lạc, thanh nhiệt giải độc. Sau đây là một số bài thuốc và món ăn thuốc từ quả mướp.
Quả mướp – thực phẩm thanh nhiệt giải độc trong ngày nắng nóng
Bài thuốc từ mướp
Chữa tức ngực khó thở (do khí trệ gây tắc kinh lạc): Ty qua 20g, uất kim 20g, cát cánh 8g, chỉ xác 8g. Các vị thuốc sao vàng sắc đặc. Uống ngày 1 thang.
Phong thấp gây co rút: Tần giao 20g, tang ký sinh 20g, ty qua sao giấm 20g. Sắc uống. Có thể dùng bài Độc hoạt tang ký sinh gia ty qua.
Tắc tia sữa: Ty qua 20g, vương bất lưu hành 20g, lộ lộ thông 10g (thông thảo 10g), xuyên sơn giáp sao 10g. Sắc uống.
Viêm tuyến vú gây tắc tia sữa: Ty qua 10g, đan bì 10g, kim ngân hoa 15g, bồ công anh 15g, chỉ xác sao 12g. Sắc uống.
Trĩ chảy máu, lòi dom, rong kinh, kiết lỵ, đại tiện ra máu: Ty qua sao tồn tính 4 – 8 g, chia làm 2 lần uống trong ngày.
Chữa ít sữa: Ty qua 20g, quả sung xanh 60g, móng giò lợn 200g, gạo tẻ 200g. Ninh kỹ, ăn trong ngày.
5 món ăn nước uống từ quả mướp giải khát, giải thử nhiệt, tiêu viêm, chỉ khái, kích thích tiêu hóa
1. Nước ép mướp: Mướp non 300g – 500g, đường trắng vừa đủ. Mướp rửa sạch, gọt vỏ, ép lấy nước; thêm đường đủ ngọt uống trong ngày. Tác dụng thanh nhiệt, hóa đàm, tiêu viêm, chỉ khát.
Nước ép quả mướp non tác dụng thanh nhiệt, hóa đàm, tiêu viêm, chỉ khát.
2. Nước ép mướp non khổ qua: Mướp non 300g, khổ qua 200g, đường trắng vừa đủ. Mướp gọt vỏ, khổ qua bỏ ruột, rửa sạch; ép lấy nước; thêm đường đủ ngọt. Uống nhiều lần trong ngày. Tác dụng giải cảm nắng, làm sáng mắt, hóa đàm, tiêu viêm, chỉ khát.
3. Nước ép mướp non củ cải: Mướp non 300g, củ cải 200g, đường vừa đủ. Mướp và củ cải gọt vỏ, thái nát, ép lấy nước; thêm đường đủ ngọt. Tác dụng hành khí lợi niệu, hóa đàm, tiêu viêm, chỉ khái.
4. Canh cua đồng nấu mướp: Mướp 500g, cua đồng 300 – 500g, mồng tơi 300g, rau đay 300g, rau rút 1 – 2 mớ, cà muối chua 50 – 100g. Nấu canh cua ăn với cơm trắng và cà muối. Tác dụng giải thử nhiệt, tiêu viêm, khai vị, kích thích tiêu hóa.
Canh cua đồng nấu mướp giải thử nhiệt, tiêu viêm, khai vị, kích thích tiêu hóa.
5. Mướp hương xào ếch: Mướp non 500 – 1.000g, ếch 300g – 500g, hành khô, hành lá, nước mắm, bột nêm, mì chính vừa đủ. Ếch làm sạch, chặt miếng vừa ăn. Phần da ếch (giải thử nhiệt, tiêu viêm, khai vị, kích thích tiêu hóa), nướng qua lửa để khi xào sẽ giòn ngon hơn. Ướp thịt ếch với bột nêm, nước mắm, chút dầu ăn, hành khô băm nhỏ khoảng 15-20 phút. Mướp hương gọt vỏ rửa sạch, cắt miếng vừa ăn. Hành lá cắt khúc. Xào ếch với lửa lớn đến khi thịt ếch chín thì cho ra đĩa. Tiếp tục xào mướp hương với chút xíu bột nêm, cho thịt ếch vào xào cùng, thêm hành hoa, mì chính.
Mướp hương xào ếch ngon miệng, bổ dưỡng, thanh nhiệt, rất thích hợp trong những ngày nắng nóng.
Kiêng kỵ: người tỳ vị hư yếu không dùng quả mướp.
BS. Tiểu Lan