Những dấu hiệu nhận biết ung thư tuyến giáp tái phát
Điều cần lưu ý là ung thư tuyến giáp vẫn có rủi ro tái phát trở lại sau khi bệnh nhân đã hoàn thành xong quá trình điều trị lần đầu. Khả năng tái phát vẫn có thể xảy ra ngay cả khi việc điều trị bệnh đã kết thúc từ 10 năm đến 20 năm trước đó.
Triệu chứng ung thư tuyến giáp tái phát
Xuất hiện khối u ở cổ
Khối u tại vị trí vùng cổ này nằm ở tuyến giáp hay ở trong các hạch bạch huyết. Đặc điểm của khối u là có thể di động theo nhịp nuốt của người bệnh.
Khi ung thư tuyến giáp tái phát, xu hướng phát triển của khối u thường là rất nhanh. Vì vậy, người bệnh cần lưu ý đến dấu hiệu bất thường.
Cổ bị sưng, đau
Người bệnh bị tái phát ung thư tuyến giáp có thể gặp phải tình trạng cổ bị sưng và đau. Kích thước sưng ở cổ đối với từng trường hợp bệnh nhân cụ thể có thể không giống nhau. Đi kèm với đó, cảm giác đau ở cổ có thể lan đến tai.
Khó nuốt, khó thở
Tình trạng khó nuốt, nuốt nghẹn, cảm thấy đau khi nuốt, khó thở gia tăng cũng là một triệu chứng cảnh báo ung thư tuyến giáp tái phát. Lý do là vì vào lúc đó, sự phát triển của khối u gây xâm lấn và chèn ép các bộ phận xung quanh như khí quản, thực quản.
Khàn tiếng, thay đổi giọng nói
Bên cạnh đó, người bệnh cũng không nên bỏ qua biểu hiện khàn tiếng, giọng nói có sự thay đổi. Bởi điều này có thể là do bệnh ung thư tuyến giáp tái phát với sự xuất hiện trở lại của khối u ở vùng cổ gây chèn ép thanh quản.
Ho liên tục, kéo dài
Khi tái phát ung thư tuyến giáp, người bệnh cũng có dấu hiệu bị ho liên tục, kéo dài, không liên quan đến cảm lạnh và không có đờm hay sốt kèm theo. Triệu chứng này có thể gây ra tâm lý chủ quan, lơ là mà không chú ý đến nguy cơ tái phát bệnh.
Làm gì để ngăn ngừa ung thư tuyến giáp tái phát?
Bệnh nhân mắc phải ung thư tuyến giáp sau khi điều trị có thể thực hiện những việc này để ngăn ngừa nguy cơ bệnh tái phát.
Đi tái khám định kỳ
Bằng việc đi tái khám định kỳ sau khi thực hiện điều trị ung thư tuyến giáp, người bệnh sẽ được bác sĩ theo dõi và đánh giá một cách chính xác tình trạng sức khỏe cũng như khả năng tái phát bệnh. Từ đó, kịp thời có phương pháp xử lý đúng đắn.
Đồng thời, bệnh nhân cũng cần chú ý lắng nghe cơ thể của mình. Trường hợp tự theo dõi và nhận thấy những dấu hiệu lạ thì phải đi thăm khám ngay để kịp thời có phương án xử lý.
Về chế độ ăn uống
Người bệnh từng bị ung thư tuyến giáp sau khi điều trị cần đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết. Đồng thời, thực hiện việc ăn đúng bữa, không bỏ bữa, ăn uống hợp vệ sinh. Trong đó, tăng cường trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt; hạn chế sử dụng thịt đỏ, thức ăn đã được chế biến sẵn, các loại đồ ăn cay, nóng nhiều dầu mỡ; tránh uống rượu, bia…
Về lối sống
Cùng với một chế độ ăn uống lành mạnh, những sự thay đổi tích cực trong lối sống cũng có thể giúp người bệnh bảo vệ sức khỏe, góp phần trong việc giảm thiểu nguy cơ tái phát bệnh. Người bệnh không nên hút thuốc lá; dành thời gian cho việc duy trì tập thể dục thể thao vừa sức mỗi ngày; kiểm soát cân nặng ở một mức phù hợp, tránh xảy ra tình trạng thừa cân, béo phì.
Giữ tinh thần tích cực, lạc quan
Giữ cho bản thân một tinh thần, lạc quan, tích cực, tránh bị stress, lo âu cũng có thể đóng góp vào việc giúp người bệnh ngăn ngừa nguy cơ ung thư tuyến giáp tái phát. Lựa chọn chia sẻ tâm sự, nỗi lo lắng bất an của bản thân về khả năng bệnh tái phát với những người thân xung quanh sẽ là một giải pháp hữu ích giúp người bệnh cảm thấy giải tỏa phần nào tâm lý của mình để có thể trở nên tích cực hơn.
Thanh Hằng/TH