Những người dùng smartphone không cài Bluezone sẽ bị xử phạt trong trường hợp nào?
Hướng dẫn này nhằm hỗ trợ thực hiện khai báo y tế điện tử giúp quản lý, theo dõi y tế và phát hiện sớm ca bệnh phục vụ hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid-19.
Đồng thời, quy định cụ thể về địa điểm, thời điểm, đối tượng cài đặt và sử dụng ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.
Cụ thể, hiện nay, có 3 ứng dụng dùng để khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần gồm ứng dụng VHD (VietNam Health Decleration) và tokhaiyte.vn; Bluezone; NCOVI.
Ngoài ra, hướng dẫn này áp dụng đối với người dân và các địa điểm kinh doanh, làm việc, giải trí; nơi tập trung đông người dưới đây.
Thứ nhất, các địa điểm kinh doanh, làm việc, giải trí: Trụ sở làm việc; khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống phục vụ tại chỗ; Quán bar; vũ trường; karaoke; cơ sở dịch vụ xoa bóp (massage), làm đẹp; phòng tập thể dục, thể hình; cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tập huấn (theo quy định của Ban tổ chức hoặc người có thẩm quyền triệu tập)…
Thứ hai, nơi tập trung đông người: Bệnh viện, các cơ sở y tế; chung cư; trường học; nhà ga, bến xe, bến tàu, nhà chờ và trên phương tiện giao thông công cộng; trung tâm thương mại, siêu thị; chợ đầu mối, chợ dân sinh, cửa hàng cung cấp các dịch vụ thiết yếu; đám tang, đám cưới; địa điểm tham quan, du lịch, vui chơi, giải trí; khu tâm linh…
Theo đó, người dân có điện thoại thông minh cần cài đặt, sử dụng các ứng dụng khai báo y tế để thực hiện khai báo y tế điện tử và sinh mã QR. Khi đến nơi công cộng, tập trung đông người phải cài đặt ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần (Bluezone) và bật chế độ Bluetooth.
Người thuộc diện cách ly y tế hoặc giám sát y tế sau cách ly có điện thoại thông minh phải cài đặt ứng dụng khai báo y tế (VHD) và ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần.
Sử dụng mã QR được in ra hoặc đã lưu trong điện thoại để thực hiện khai báo y tế và chịu trách nhiệm về các thông tin khai báo y tế của mình.
Khi đến các địa điểm cần khai báo y tế, đưa mã QR cho nhân viên kiểm soát thực hiện quét hoặc dùng điện thoại để tự quét mã QR tại điểm đó.
Đối với khai báo y tế lần đầu, người dân thực hiện khai báo y tế điện tử lần đầu tại một trong những ứng dụng khai báo y tế. Sau khai báo, nhận mã QR của hệ thống tạo ra (có thể in ra, hoặc lưu trong điện thoại) phục vụ dùng khai báo y tế về sau.
Khi cần cập nhật khai báo y tế, người dân có thể khai báo/cập nhật thông tin trên web hoặc trên các ứng dụng di động.
Đối với khai báo cập nhật thông tin về triệu chứng hay thông tin dịch tễ, người dân khai báo trên web hoặc trên các ứng dụng di động.
Thực hiện khai báo y tế/cập nhật khai báo khi có triệu chứng, yếu tố dịch tễ hoặc theo yêu cầu của chính quyền các cấp.
Cụ thể, về tổ chức thực hiện, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm việc cài đặt, sử dụng ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần, xử phạt các trường hợp có điện thoại thông minh nhưng không thực hiện cài đặt, sử dụng ứng dụng theo quy định trên cơ sở tình hình dịch COVID-19 và điều kiện thực tế tại địa phương.
Quyết định khu vực, địa điểm đang có ổ dịch COVID-19 trên cơ sở tham mưu của Sở Y tế để áp dụng nghiêm các biện pháp chống dịch phù hợp mà không áp dụng hướng dẫn này.
Các bộ, ban, ngành theo thẩm quyền, phạm vi quản lý tăng cường đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra việc tổ chức thực hiện hướng dẫn này.
Sở Y tế và các Sở, ban, ngành liên quan, chính quyền địa phương trong lĩnh vực được giao quản lý trực tiếp hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trên địa bàn quản lý.
Sở Y tế làm đầu mối chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và Bộ Y tế theo quy định.
Người đứng đầu các tổ chức, cơ sở, địa điểm, khu vực được giao quản lý trong phạm vi áp dụng hướng dẫn chịu trách nhiệm việc tổ chức triển khai, đôn đốc, nhắc nhở, thường xuyên kiểm tra và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người thực hiện nghiêm hướng dẫn này.
Hoàng Mai