Phát triển chăn nuôi gắn với thị trường

Dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá cả thị trường bấp bênh nhưng ngành chăn nuôi Hà Nội vẫn nỗ lực vượt qua khó khăn để tái đàn, chờ đón cơ hội sau dịch.
Vượt khó để tái đàn
Anh Ngô Trọng Hiển (xã Thụy An, huyện Ba Vì) cho biết, mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng tới giá cả và việc tiêu thụ gà nhưng gia đình vẫn cố gắng duy trì sản xuất, mong chờ dịch đi qua. Hiện, trang trại của anh Hiển đang nuôi 3 vạn gà, trong đó có gần 1 vạn mới vào đàn. Trung bình 4 ngày, gia đình anh lại xuất chuồng 7.000 gà con. Tương tự, trang trại chăn nuôi lợn của ông Nguyễn Văn Lâm (xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai) hiện đang nuôi 100 lợn nái, 600 lợn thịt và 47.000 con gà đẻ trứng. Từ khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát tới nay, trang trại của ông luôn thực hiện nghiêm ngặt các quy định phòng dịch. Nhờ vậy, đàn lợn của gia đình vẫn đảm bảo an toàn qua cơn bão dịch.

 Mô hình chăn vịt công nghệ cao tại Chương Mỹ. Ảnh: Phương Nga
Ứng Hòa cũng là một trong những huyện tích cực tái đàn vật nuôi. Từ đầu năm tới nay, các trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện đã tái đàn được gần 60.000 con lợn, nâng tổng đàn lên 586.000 con; hơn 500.000 con gia cầm, nâng tổng đàn lên 2,3 triệu con. “Sau các đợt dịch, người chăn nuôi trên địa bàn huyện đã nâng cao kiến thức và chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi” – Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi cho hay.

 

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, hiện nay, dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn Hà Nội cơ bản đã được kiểm soát. Tuy nhiên, dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm vẫn xảy ra tại một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Ngoài ra, giá thành gia súc, gia cầm tăng giảm thất thường khiến các hộ chăn nuôi khó tính toán, đầu tư cầm chừng.
Lấy công nghệ làm điểm tựa
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho rằng, trong tình hình mới hiện nay, ngành chăn nuôi một mặt thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch, mặt khác cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, hiện đại hóa chăn nuôi để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh. Trong đó, thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng giống, thực hiện bình tuyển đánh số, gắn chíp ghi chép theo dõi và đánh giá chất lượng. Đồng thời, tiến hành rà soát chiến lược phát triển ngành với từng đối tượng vật nuôi cụ thể để điều chỉnh quy mô phù hợp với nhu cầu thị trường; phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn đối với các sản phẩm chủ lực.
Bên cạnh đó, tổ chức liên kết theo chuỗi sản phẩm từ khâu sản xuất đến thị trường, trong đó DN đóng vai trò đầu tàu. Khuyến khích các cá nhân, DN liên kết, hợp tác trong lĩnh vực sản xuất. Xây dựng mô hình liên kết ở từng vùng, từng loại đối tượng chủ lực. Tạo điều kiện cho các DN đầu tư sản xuất thức ăn chất lượng cao cho bò sữa, bò thịt như thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh (TMR, TMF). Ứng dụng công nghệ cao trong xử lý chất thải trong chăn nuôi…

Năm 2021, ngành chăn nuôi Hà Nội đặt mục tiêu nâng tổng đàn lợn lên 1,8 triệu con, trong đó đưa các giống lợn ngoại có năng suất chất lượng cao phục vụ cho lai tạo, cải tiến nhanh công tác giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo; đàn gia cầm hơn 40 triệu con; đàn trâu, bò khoảng 160.000 con…

 

Phương Nga