Phim về mâu thuẫn gia đình chiếm sóng giờ vàng

Sau khi “Hồ sơ cá sấu” khép lại, sóng giờ vàng VTV dành đất cho các bộ phim thuộc đề tài gia đình, hôn nhân.

Kể từ đầu năm nay, ngoại trừ Hồ sơ cá sấu, các phim truyền hình lên sóng vào khung giờ vàng đều thuộc đề tài gia đình, như Trở về giữa yêu thương, Hướng dương ngược nắng, Hãy nói lời yêu và mới nhất là Hương vị tình thân.

Điều này cho thấy những câu chuyện xoay quanh mâu thuẫn gia đình, tình cảm vợ chồng, bi kịch hôn nhân… vẫn là chủ đề có sức hút với khán giả. Trong khi đó, các tác phẩm mang đề tài chính luận hoặc tính đặc thù ngành nghề, điều tra phá án không còn gây hiệu ứng mạnh mẽ như trước.

Phim chính luận giảm sức hút

Truyền hình Việt từng có những bộ phim chính luận “gây sốt” như Người phán xử, Quỳnh búp bê. Thời điểm lên sóng, các tác phẩm này trở thành chủ đề hot, được bàn tán khắp mạng xã hội. Nhiều câu nói trong phim trở thành xu hướng, điển hình là phát ngôn “Gia đình là thứ tồn tại duy nhất, còn những thứ khác có hay không, không quan trọng” của ông trùm Phan Quân (Người phán xử).

Tuy nhiên, khoảng hai năm trở lại đây, các tác phẩm thuộc dòng chính luận bị giảm sức hút. Loạt phim như Mê cung, Sinh tử, Lựa chọn số phận, Hồ sơ cá sấu… không để lại dấu ấn mạnh mẽ. Hầu hết nhóm tác phẩm này chỉ được chú ý ở giai đoạn đầu, sau đó “giảm nhiệt dần”.

Dù xét về yếu tố kịch bản hay diễn xuất, Mê cung và Sinh tử đều có chất lượng tốt. Các tình tiết vụ án, xung đột lợi ích, tham nhũng trong phim thực tế được xây dựng ly kỳ, lớp lang.

Hồ sơ cá sấu giảm sức hút sau những tập đầu tiên.

Lý giải về sự “kén” người xem của phim chính luận, đạo diễn Khải Hưng từng bày tỏ các tác phẩm này dành cho những người quan tâm đến xã hội, cuộc sống. Còn số đông khán giả sẽ chỉ thích phim tình yêu, hôn nhân gia đình.

Gần nhất, 38 tập phim Hồ sơ cá sấu cũng khép lại trong tiếc nuối. Ban đầu, tác phẩm gây tò mò ngay từ tựa đề lạ. Đội ngũ diễn viên tham gia đều là những gương mặt nổi bật, như Mạnh Trường, Việt Anh, Hoàng Hải, Doãn Quốc Đam, Lan Phương, Kiều Anh, Huyền Lizzie…

Hồ sơ cá sấu sở hữu kịch bản thú vị, mới mẻ, không lặp lại những phim trước đó. Song, điểm hạn chế của tác phẩm nằm ở cách kể chuyện gây khó hiểu, thậm chí bị nhận xét có phần luẩn quẩn. Lên sóng song song với Hướng dương ngược nắng cũng là một trong những nguyên nhân khiến Hồ sơ cá sấu dễ bị “chìm”.

Diễn viên Mạnh Trường, người đảm nhận vai chính Hải trong Hồ sơ cá sấu, chia sẻ với Zing: “Ngay từ lúc quyết định theo đuổi dòng phim này, ê-kíp đã lường trước rằng tác phẩm phần nào khó hiểu. Với đề tài chính luận, điều tra, khán giả phải xem rất kỹ, gần như không được bỏ sót tình tiết nào. Thậm chí, có những tập khán giả phải xem lại mới hiểu hết, bởi nhiều tình huống rất lắt léo. Theo tôi, đây chính là rào cản của bộ phim.

Với những đề tài khác như gia đình, tình cảm, khán giả không cần theo dõi từ đầu cũng có thể hiểu. Họ không bị đau đầu khi ngồi trước màn hình TV”.

Đề tài hôn nhân gia đình chiếm sóng giờ vàng

Từ đầu năm 2021, có hai phim truyền hình đề tài gia đình lên sóng giờ vàng là Trở về giữa yêu thương và Hướng dương ngược nắng. Hai tác phẩm mới nhất cũng khai thác chủ đề này là Hãy nói lời yêu và Hương vị tình thân.

Hiện tại, sau khi Hồ sơ cá sấu khép lại, sóng giờ vàng dành trọn cho ba bộ phim nói về chuyện gia đình, xung đột trong hôn nhân, tình yêu.

Trên thực tế, không phải tác phẩm nào thuộc đề tài này cũng có thể thu hút sự chú ý. Thời gian qua, Hướng dương ngược nắng là phim duy nhất tạo được hiệu ứng mạnh trên mạng xã hội. Mâu thuẫn con chung – con riêng, chính thất – tiểu tam, “cuộc chiến” tranh giành quyền lực, tài sản của Cao gia, tất cả đã tạo nên những tình huống kịch tính, hấp dẫn người xem.

Phim về đề tài gia đình đang chiếm sóng giờ vàng.

Bên cạnh đó, sự góp mặt của dàn diễn viên “hùng hậu” – nghệ sĩ Thu Hà, Vân Dung, Công Lý, Việt Anh, Hồng Diễm, Hồng Đăng, Thu Trang, Quỳnh Kool, Đình Tú, Doãn Quốc Đam – cũng là yếu tố mang đến thành công cho bộ phim.

Với Hãy nói lời yêu và Hương vị tình thân, chưa thể dự đoán hai tác phẩm này sẽ bùng nổ đến đâu. Song, sau hai tập phim, Hãy nói lời yêu bước đầu gây chú ý bởi những mâu thuẫn gia đình chồng chất.

Đằng sau vỏ bọc của một đôi hạnh phúc, viên mãn là người chồng âm thầm ngoại tình (nghệ sĩ Trọng Trinh). Con gái Hoàng My (Quỳnh Kool) chính là người phát hiện cảnh thân mật giữa bố và nhân tình trong chính sinh nhật mẹ mình (Nguyệt Hằng). Hoàng My thất vọng, đau khổ khi hình ảnh người cha mẫu mực trong cô sụp đổ. My thậm chí còn theo dõi bồ nhí của bố và đánh ghen thay mẹ.

Nguyệt Hằng vào vai người vợ bị phản bội.

Chuyện bồ bịch, tiểu tam vốn không mới trên màn ảnh Việt, thậm chí xuất hiện với tần suất không hề nhỏ. Song, điểm khác biệt của tác phẩm này là cách xây dựng hình ảnh người vợ ghê gớm, quyền lực trong gia đình. Để giữ thể diện, hai vợ chồng quyết định không ly dị. Song, người vợ, với sự tính toán khôn ngoan, tìm cách để vừa “trị” tiểu tam, vừa khiến chồng phải trả giá.

Với loạt “drama” ở ngay hai tập đầu tiên, không ít khán giả dự đoán Hãy nói lời yêu có thể gây hiệu ứng như Hướng dương ngược nắng.

Ly Nguyễn