Sinh viên tốt nghiệp ngành Phân tích Big Data ra trường làm gì?
Những năm gần đây, thí sinh quen dần với cụm từ phân tích dữ liệu lớn (Big Data) trong quá trình chọn ngành trước tuyển sinh.
Xuất hiện không lâu nhưng ngành Phân tích Big Data luôn có sự thu hút đặc biệt với những học sinh giỏi các môn tự nhiên.
Vậy ngành Phân tích dữ liệu lớn (Big Data) là gì?
Sinh viên học ngành Phân tích dữ liệu lớn (Big Data) có thể làm nhiều công việc. (Ảnh minh họa)
Theo các chuyên gia, sinh viên học Phân tích Big Data sẽ được trang bị hệ thống kiến thức liên quan đến dữ liệu lớn, các công nghệ và thuật toán được dùng để xử lý và truy vấn dữ liệu lớn. Dó đó, nếu sinh viên là người có đầu óc phân tích và khả năng xử lý dữ liệu, khi theo học ngành này cơ hội thăng tiến sẽ trong tầm tay.
Hiện nay ngành Big Data mang đến cho các doanh nghiệp cơ hội tiếp cận và lưu trữ một số lượng lớn dữ liệu. Trên nền tảng dữ liệu thu thập và sở hữu, các doanh nghiệp có thể đưa ra các chiến lược kinh doanh để mở rộng quy mô phát triển trong thời gian ngắn mang lại lợi nhuận cao nếu đi đúng hướng.
Do đó, nhân lực làm việc trong lĩnh vực Big Data đang trở nên kham hiếm bởi đào tạo ngành này chỉ mới xuất hiện, hơn nữa thị trường lại rất cần những kỹ sư có kiến thức, am hiểu, nhạy bén, có thể đảm bảo xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ để sinh lời cho doanh nghiệp.
Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Phân tích dữ liệu lớn có thể đảm nhận các vị trí công việc với mức lương hấp dẫn tại các doanh nghiệp như nhân viên làm công việc nghiên cứu, phân tích dữ liệu lớn cho các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, ứng dụng khoa học dữ liệu vào lĩnh vực kinh doanh, marketing tự tạo dựng…
Ngoài ra còn có thể viết hoặc sử dụng phần mềm phân tích, thống kê, lựa chọn mô hình xử lý dữ liệu; giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng hay các cơ sở đào tạo chuyên sâu phân tích dữ liệu với thu nhập khá tốt.
Theo ông Vũ Quang Huy – Phó trưởng phòng tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, các thí sinh đừng đặt nặng quá mức lương của mình sau khi mới tốt nghiệp ngành Phân tích dữ liệu lớn (Big Data). Bởi lẽ đây là ngành mà sinh viên phải không ngừng trau dồi thêm kiến thức chứ không phải cứ tốt nghiệp là có mức lương khủng.
Rất nhiều sinh viên chọn sai ngành Big Data vì các em chưa hiểu rõ sở thích và đam mê, thích là một chuyện làm được hay không là chuyện khác. Nhiều bạn học kém Toán, Ngoại ngữ nhưng lại cứ thích Big Data vì mức lương sau khi ra trường cao hơn hẳn so với ngành nghề khác.
“Học ngành Big Data cần học tốt các môn tự nhiên và cả học tốt ngoại ngữ, đầu tư nhiều về ngoại ngữ, từ cơ bản tới chuyên ngành mới mang lại lợi thế nhất định”, ông Huy cho hay.
Theo các chuyên gia phân tích Big Data, sinh viên cần biết căn bản rồi đầu tư nhiều năm theo đuổi từ thấp lên cao để thật giỏi ngành này.
Khi bạn trau dồi được những kỹ năng độc lập là bạn có thể tự dùng để kiếm tiền hoặc bán cho bất cứ ai, nó cũng giống như khi bạn làm bác sĩ, kinh doanh tiểu thương, mua bán chứng khoán tự doanh… Bạn càng làm càng giỏi nghề thì thu nhập vừa tăng cao vừa giảm lệ thuộc vào bất kỳ một công ty hay một người nào.
Hoàng Thanh