Sóc Trăng 2 lần vận động ‘giải cứu’ hành tím

Sáu năm trước, hành tím ở Sóc Trăng cũng một lần được các cấp, ngành chung tay “giải cứu” giúp nông dân khi giá nông sản này rớt còn 2.000-3.000 đồng/kg.

Các hộ dân thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) hiện tồn đọng khoảng 50.000 tấn củ hành tím trị giá trên 700 tỷ đồng. Đây là lần thứ 2 người dân nghèo xứ biển Vĩnh Châu đối mặt với khó khăn vì đặc sản của địa phương gặp cảnh dội chợ.

Từng “giải cứu” 6 năm trước

Ông Mã Chí Thọ, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu cho biết 6 năm trước người trồng củ hành tím ở Việt Nam đang thu hoạch rộ thì Indonesia ngưng nhập khẩu loại nông sản này.

Lần thứ 2 sau 6 năm, nông dân xứ biển Vĩnh Châu (Sóc Trăng) lại kêu gọi “giải cứu” khoảng 50.000 tấn củ hành tím trị giá trên 700 tỷ đồng. Ảnh: Nhật Tân.

Khi đó, các doanh nghiệp ở Vĩnh Châu chiếm được 80% thị trường xuất khẩu củ hành tím sang Indonesia đã gặp khó khăn. Nông dân không có nơi tiêu thụ khoảng 50.000 tấn nông sản làm ra nên phải bán củ hành với giá 2.000-3.000 đồng/kg.

Cuối tháng 4/2015, tỉnh Sóc Trăng xuất hiện hàng chục điểm “giải cứu” hành tím Vĩnh Châu do các tổ, hội phụ nữ và cơ sở đoàn thanh niên làm chủ công. Chỉ trong 2 tuần, hàng chục tấn hành tím được tiêu thụ hết với giá 10.000 đồng/kg.

Một năm sau đó, khi thấy giá hành tím tăng 3-4 lần, nông dân Vĩnh Châu lại tiếp tục ồ ạt xuống giống. Ngoài 1.000 ha hành tím phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, mỗi năm nông dân xứ biển trồng khoảng 1.500 ha hành giống và 5.000 ha hành thương phẩm chính vụ (70-75 ngày).

Theo ông Mai Chí Thọ, hành tím Thái Lan và Trung Quốc bán tại thị trường TP.HCM giá quá rẻ, chỉ 3.000 đồng/kg. Ngoài việc cạnh tranh không lại, củ hành tím Vĩnh Châu còn gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 vì các doanh nghiệp xuất khẩu chậm.

Ngoài củ hành tím, thị xã Vĩnh Châu cũng có tỏi đặc sản. Ảnh: Nhật Tân.

“Năm nay hành trồng trên đất ruộng tốt, thương lái mua 15.000-18.000 đồng/kg thì người dân thấy có lời mới chịu bán. Doanh nghiệp mua 9.000-10.000 đồng/kg nên nông dân không bán, vì hành đó có khả năng trữ được lại 2 tháng”, ông Thọ nói.

Trồng củ hành theo hướng hữu cơ

Ngoài củ hành tím trồng trên đất ruộng, rất nhiều nông dân Vĩnh Châu trồng trên đất giồng cát ven biển. Lãnh đạo Phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu cho rằng hành trồng trên đất cát dự trữ chỉ một tháng vì mất màu rất nhanh. Loại này củ nhỏ nên thương lái ép giá, mua chỉ 4.000-5.000 đồng/kg.

“Doanh nghiệp mua thì về mà hư do dự trữ không lâu sẽ bị lỗ. Họ mua để bán về TP.HCM lúc này cạnh tranh không lại hành Thái Lan và Trung Quốc. Ngày 19/4, Thị ủy Vĩnh Châu sẽ có văn bản cho chúng tôi rà soát số lượng hành tồn đọng của những hộ nghèo và cận nghèo để vận động cán bộ, công chức mua ủng hộ bà con với giá 15.000 đồng/kg”, ông Thọ chia sẻ.

Để tránh lặp lại điệp khúc được mùa mất giá, Phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu định hướng cơ cấu cây trồng, giảm diện tích hành sử dụng phân hóa học, tăng diện tích sử dụng phân hữu cơ. Qua khảo sát của cơ quan chức năng cho thấy hành tím sử dụng phân hữu cơ cho củ to, dự trữ được 6 tháng; nếu dùng phân hóa học chỉ 2-3 tháng.

Hành tím sử dụng phân hữu cơ cho củ to, màu đẹp, bảo quản lâu hơn củ hành sử dụng phân vô cơ. Ảnh: Nhật Tân.

Điều đáng quan tâm hiện nay là vùng trồng củ hành lớn nhất nước chỉ có 2 hợp tác xã và một tổ hợp tác. Trong đó, một hợp tác xã không có kho dự trữ, hợp tác xã còn lại có kho nhưng thiếu vốn.

“Tôi đang khuyến khích thành lập thêm hợp tác xã để giúp xã viên kết nối với nhau. Khi liên kết sản xuất sẽ giảm chi phí đầu vào, có thể nhờ cấp trên hỗ trợ cơ giới, hạn chế sâu rầy, giảm giá thành”, ông Mai Chí Thọ nói.

Việt Tường