Thận trọng khi mua thuốc đông y, dược phẩm không rõ nguồn gốc

Trong tuần qua, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã phát hiện, thu giữ khối lượng lớn thuốc đông y và dược phẩm không rõ nguồn gốc tại hai kho hàng. Đây tiếp tục là hồi chuông cảnh báo đến người tiêu dùng về sự cần trọng khi sử dụng thuốc đông y, dược phẩm hiện nay.

Không khó để người tiêu dùng bắt gặp các nội dung quảng cáo về đông y gia truyền, các loại dược phẩm điều trị và hỗ trợ điều trị các loại bệnh mãn tính. Chỉ cần có một tài khoản trên mạng xã hội, tất cả những loại thuốc đông y được gọi là “gia truyền” và các loại dược phẩm có tác dụng thần kỳ đã có thể đến được với khách hàng một cách cực nhanh mà không cần thiết có giấy phép kinh doanh hay không. 

Vụ việc thu giữ hàng nghìn lọ thuốc đông y do lực lượng QLTT Hà Nam vừa thực hiện đã cho thấy tình trạng sử dụng thuốc tràn lan, bất chấp quy định pháp luật của những người kinh doanh thuốc. 

Đại diện Đội QLTT số 3 (Cục QLTT Hà Nam) cho biết, sau một thời gian trinh sát, Đội đã phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Hà Nam tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh tại đường Ngô Quyền (TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) do bà Nguyễn Thị Khánh Linh làm chủ và Mai Thùy Dịu là quản lý bán hàng. Đây là cơ sở kinh doanh có dấu hiệu hoạt động bán hàng online các sản phẩm thuốc chữa bệnh gia truyền và thực phẩm chức năng đông y các loại. 

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang gia công, đóng gói các sản phẩm là thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng đông y các loại. Tuy nhiên, đại diện cơ sở không xuất trình được hồ sơ thủ tục hoạt động, hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của nguyên liệu. Thậm chí, cơ sở này có dấu hiệu sản xuất hàng giả là thuốc và thực phẩm chức năng đông y.

Đoàn kiểm tra đã tạm giữ hơn 4.000 lọ thuốc đông y trị viêm xoang, chữa phụ khoa; hơn 2.000 hộp thuốc đông y trị viêm họng, mất ngủ; hơn 1.500 gói đông y thảo dược trị bệnh trĩ, xương khớp; các loại thuốc trị viêm mũi, giảm cân, tiểu đường và gần 500kg bột nguyên liệu, viên nén các loại đã bào chế sẵn không rõ nguồn gốc hoặc trên bao bì có in tiếng nước ngoài; nhiều vỏ hộp in sẵn, ghi nhãn bằng tiếng Việt Nam cùng nhiều tang vật liên quan khác.

Trong quá trình làm việc, đại diện cơ sở khai nhận đã mua nguyên liệu được bào chế sẵn không rõ nguồn gốc, thuê người in bao bì, nhãn mác, đóng gói các sản phẩm và tổ chức quảng cáo, bán hàng qua mạng xã hội. 

Đại diện Đội QLTT số 3 cho biết, vụ việc này khá nghiêm trọng, hàng hóa là loại ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng nên Đội đã chuyển giao toàn bộ hồ sơ vụ việc và tang vật đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh để tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Hai ngày sau, lực lượng QLTT Hà Nội cũng đã thu giữ gần 300.000 sản phẩm thuốc (có các dấu hiệu xuất xứ từ Hàn Quốc) được vận chuyển từ kho ALS – Cảng hàng không Nội Bài không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Điều này đã thực sự báo động tình trạng các loại thuốc đông y, dược phẩm được bán công khai tràn lan mà không rõ nguồn gốc xuất xứ. 

Theo đại diện Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Hà Nội), các loại thuốc thu giữ được chủ yếu là thuốc quảng cáo để trị ho, thuốc huyết áp, thuốc chữa đau đầu, thực phẩm chức năng giảm cân, miếng dán vết thương và các viên nén (màu xanh, cam, trắng, hồng) đóng trong các túi nilon nhưng chưa rõ công dụng thực tế. 

Tất cả các sản phẩm này cùng với xe vận chuyển đã được Đội QLTT số 1 tạm giữ để tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, hàng chục tấn nguyên liệu thuốc đông y không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng được lực lượng QLTT tại nhiều địa bàn như: Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắc Ninh… thu giữ. 

Đại diện Tổng cục QLTT cho rằng, tình trạng nhập lậu nguyên liệu thuốc đông y, dược phẩm đã đến mức báo động, bởi đây là loại hàng hóa ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng. Do đó, Tổng cục QLTT khuyến cáo người dân nên thận trọng sử dụng các loại thuốc đông y, dược phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. 

 

Nhật Thu