Thảo dược chữa hôi miệng

Hôi miệng không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sinh hoạt của người bệnh. Những người mắc bệnh thường cảm thấy tự ti và rất ngại giao tiếp gần với người khác.
Nguyên nhân gây hôi miệng do vệ sinh răng miệng kém, bệnh lý tại răng miệng như sâu răng, viêm lợi răng, khô miệng; chế độ ăn uống nhiều chất cay nóng như hành tỏi, gia vị; đồ uống có cồn; do hút thuốc lá hoặc một số bệnh về mũi họng… Sau đây là một số bài thuốc thảo dược chữa chứng bệnh này.
Theo Đông y, do trường vị thấp nhiệt nên khi ăn vào, thức ăn bị ứ trệ ở dạ dày. Người bệnh tiêu hóa kém, chán ăn, nấc cụt, buồn nôn, táo bón, trướng bụng, nhiệt khí uất ích ở các mô lồng ngực và từ miệng phát ra. Phép chữa là thanh nhiệt giải độc tiêu viêm hóa ứ dưỡng huyết hoạt huyết, khử hôi làm thơm miệng, bền chắc răng. Dùng các bài thuốc sau:
Bài 1: quế tâm, cam thảo, tế tân, quất bì, mỗi vị đều 50g, tán thành bột. Dùng táo nhục và mật ong luyện thành hoàn to bằng hạt đậu. Mỗi lần uống 5-10g trước khi đi ngủ.
Bài 2: hoàng liên 5g, quy thân 6g, sinh địa 12g, đơn bì 6g, thăng ma 6g. Các vị cho vào nồi, đổ nước vừa đủ sắc còn 1/3 nước là được, chia uống ngày 2 lần. Công dụng: thanh tuyên vị hỏa, lương huyết dưỡng âm. Dùng cho người hôi miệng kèm khát nước, thích uống lạnh, môi đỏ, lở loét miệng lưỡi, mạch sác hữu lực.

Lá húng chanh sắc đặc ngậm và súc miệng chữa hôi miệng.

Lá húng chanh sắc đặc ngậm và súc miệng chữa hôi miệng.
Bài 3: đinh hương 15g, cam thảo 90g, tế tân 45g, quế tâm 45g, xuyên khung 30g. Tất cả tán thành bột mịn, trộn mật ong tán nhuyễn làm thành viên. Hằng ngày trước khi đi ngủ uống 5g.
Bài 4: trúc diệp 9g, thạch cao 30g, bán hạ chế 4g, mạch môn 18g, nhân sâm 5g, cam thảo 3g, gạo 8g. Tất cả rửa sạch, cho vào nồi, đổ nước vừa đủ, sắc còn 1/3 nước là được. Uống thuốc ngày 3 lần. Công dụng: dùng cho người khí âm hư kiêm vị nhiệt, thường xuyên cảm thấy có một luồng hơi nóng chạy lên dọc theo lồng ngực, người phiền muộn, miệng khô, lưỡi ráo, tim hồi hộp, ra mồ hôi lạnh, mất ngủ, mệt mỏi, da dẻ sần sùi, miệng hôi nhiều.
Bài 5: lá húng chanh (tần dày lá) một nắm sắc đặc ngậm và súc miệng. Sau 3-5 ngày miệng sẽ hết hôi.
Bài 6: hương nhu 40g sắc với 200ml nước, cô đặc lại dùng để súc miệng hàng ngày. Nên dùng vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ. Ngậm một lúc rồi nhổ ra.
Bài 7: một nắm rau ngò gai (mùi tàu) sắc đặc lấy nước, cho vài hạt muối vào. Dùng súc miệng 2-3 ngày sẽ khỏi.
Hằng ngày thường xuyên thay đổi các biện pháp sau:
– Dùng chanh tươi 2-3  quả, rửa sạch cắt đôi, vắt lấy nước, hòa mật ong vừa đủ ngọt; mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 1-2 thìa canh.
– Vỏ chanh rửa sạch nhai kỹ, nuốt dần, ngày 2 lần.
–  Dưa chuột (dưa leo) rửa sạch gọt lấy vỏ đun nước uống ngày 3 lần.
– Vỏ quýt 30g rửa sạch thái sợi nấu nước uống hàng ngày.
– Mơ xanh ướp muối, phơi khô ngậm trong miệng sau bữa ăn.
– Lá cây đậu xanh 15g, hoắc hương 10g, sắc lấy nước súc miệng ngày 3 lần.
– Quả lê bỏ vỏ và hạt, thái miếng mỏng ngâm nước sôi để nguội nửa ngày; uống thay nước trong 2-3 ngày liền.
– Hương nhu 1 nắm sắc lấy nước súc miệng.
– Hạt mướp đắng (khổ qua) nghiền bột luyện với mật ong làm viên bằng quả táo ta; mỗi ngày sau khi súc miệng ngậm 1 viên. Ngậm xong lại dùng viên khác chét vào chân răng, đợi tan ra nước bọt thì nhổ dần.
Lương y Đình Thuấn