Tháp Po Klong Garai: Biểu tượng tâm linh của người Chăm tại Ninh Thuận
Tháp được vua Chế Mân xây từ cuối thể kỉ 13, đầu thế kỉ 14, để thờ vị vua cha là Po Klong Garai. Năm 1979 Di tích kiến trúc nghệ thuật này được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích di tích quốc gia đặc biệt.
Toàn cảnh khu tháp (Ảnh: Internet) |
Tháp Po Klong Garai là ngôi đền thờ cúng thiêng liêng, được xem là biểu tượng và cũng là niềm tự hào của cộng đồng người Chăm sinh sống tại Ninh Thuận. Tháp nằm trên ngọn đồi Trầu, thuộc phường Đô Vinh, cách thành phố Phan Rang 9km về phía Tây.
Theo ông Sử Văn Tiên, thuyết minh viên tại tháp Chàm: Tháp này được xây dựng vào cuối thể kỉ 13, đầu thế kỉ 14, do vua Chế Mân xây để thờ vua cha là Po Klong Garai.
Po Klong Garai bao gồm 3 ngôi tháp, đó là tháp chính, tháp lửa và tháp cổng được xây từ loại gạch nung đỏ sẫm. Trong ba ngôi tháp này, tháp cổng và tháp lửa không được sử dụng để thờ cúng, chỉ có tháp chính là nơi thờ tự vị vua Po Klong Garai.
Phía trước cụm di tích là Tháp Cổng có độ cao hơn 5m, được chạm trổ những hoa văn hết sức tỷ mỷ. Nơi này là cổng ra vào hành lễ, cúng tế và tiếp đón khách của vua khi xưa.
Ở phía Nam chính là tháp Lửa, ngôi tháp có kiến trúc đặc trưng của những ngôi nhà truyền thống của dân tộc Chăm. Ngôi tháp này được thiết kế với hai mái cong cong hình chiếc thuyền. Đây là nét văn hóa độc đáo của người Chăm cổ. Thời xưa, tháp Lửa là nơi cúng tế của tu sỹ, nơi để long bào, các vật dụng cần thiết của vua Chăm Pa.
Đi vào sâu hơn nữa là Tháp Chính – trung tâm của cụm kiến trúc công trình tháp Po Klong Garai. Tháp chính cao khoảng hơn 20m, với lối thiết kế nhiều tầng. Xung quanh các góc của tháp đều được gắn các tượng đá thú và biểu tượng lửa.
Ngôi tháp này có 1 cửa chính ở hướng Đông, phía trên được điêu khắc hình ảnh thần Siva là vị thần thiêng liêng đối với dân tộc Chăm, phía dưới là hai trụ đá đỡ tháp được khắc chữ Chăm cổ. Vào sâu hơn là tượng đá chạm khắc hình con bò được quan niệm là vật cưỡi của thần Siva. Bên trong thờ vị vua có nhiều công lớn trong công cuộc cai trị đất nước với biểu tượng Mukha-Linga.
Không chỉ có ý nghĩa về mặt kiến trúc, đây còn là nơi linh thiêng đối với cộng đồng người Chăm.
Ông Sử Văn Tiên cho biết: Coi đây là trung tâm tín ngưỡng văn hóa nên hiện nay cộng đồng người Chăm vẫn còn thờ tự theo tín ngưỡng 4 lễ hội. Ở đây tiêu biểu nhất là lễ hội Kate vào ngày 1 tháng 7 Chăm lịch (vào khoảng tháng 9, tháng 10 dương lịch).
Trải qua những biến cố lịch sử và sự tàn phá của thời gian, tháp Po Klong Garai vẫn lưu giữ nguyên vẹn hiện vật và giá trị truyền thống trong văn hóa Chăm. Năm 1979, Di tích kiến trúc nghệ thuật này được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích di tích quốc gia và ngày nay đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.