Thi đánh giá năng lực: Tỉ lệ dự thi cao chưa từng có
Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP HCM tổ chức đã phải lùi thời gian về sau kỳ thi tốt nghiệp THPT. Do thí sinh đã biết kết quả thi tốt nghiệp THPT nên nhiều em đã bỏ thi đánh giá năng lực. Thống kê của ĐHQG TP HCM cho biết trong tổng số 53.000 thí sinh đăng ký dự thi, chỉ có chưa đầy 45% thí sinh dự thi – kết quả thấp bất ngờ.
Dự thi tại điểm thi Trường ĐH Quốc tế (thành viên ĐHQG TP HCM) sáng 28-3, thí sinh Đoàn Thái Sơn, học sinh Trường THPT Trấn Biên (tỉnh Đồng Nai), cho biết kỳ thi đánh giá năng lực mở ra cho thí sinh thêm một cơ hội để xét tuyển vào ĐH. Kỳ thi này đánh giá toàn diện nên phù hợp hơn, lợi thế hơn với những học sinh học đều các môn; xét tuyển từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT thì lợi thế lại thuộc về những thí sinh chỉ tập trung vài môn trong tổ hợp xét tuyển. Đoàn Thái Sơn cho biết em đăng ký xét tuyển vào ngành công nghệ sinh học của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên.
Tại điểm thi của Trường CĐ Cao Thắng (quận 1, TP HCM), thí sinh Gia Bảo, học sinh Trường THPT Cầu Giấy (TP Hà Nội), cho biết đề thi năm nay lượng kiến thức các môn đều có trong đó lượng kiến thức các môn chính nhiều hơn. Đề thi không có những câu “hóc búa” như đề thi tốt nghiệp THPT nhưng để làm bài được thì thí sinh phải học kỹ, hiểu sâu. Có khoảng 10 câu ngôn ngữ và tiếng Việt, tiếng Anh là những câu hỏi về thưởng thức nên em làm khá nhanh, các phần sâu về lý, hóa khó hơn. “Em đã ôn khá kỹ nhưng em lại tập trung ôn lý thuyết nhiều hơn nên phần làm bài hơi linh tinh một chút nhưng hoàn thành tốt bài thi được khoảng 70% – 80%” – Gia Bảo nói và cho biết em thi đánh giá năng lực để lấy kết quả xét tuyển vào Trường ĐH Bách khoa TP HCM.
Năm 2021, khối các trường ĐH thuộc ĐHQG TP HCM dành nhiều chỉ tiêu để xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực. Trường ĐH Bách khoa TP HCM có tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 5.000 nhưng trường dành từ 30% – 70% tổng chỉ tiêu để xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực; các trường ĐH khác như Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Kinh tế – Luật, Trường ĐH Quốc tế cũng dành lần lượt là 60%, 50%, 30% tổng chỉ tiêu để xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực.
PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP HCM, cho biết lượng thí sinh thi đánh giá năng lực năm nay tăng hơn 2,5 lần so với năm 2020 đồng nghĩa là nguồn tuyển cho 70 trường xét tuyển từ kết quả kỳ thi này sẽ dồi dào (tất nhiên là việc đăng ký xét tuyển vào các trường, ngành không đồng đều). Kỳ thi này đánh giá năm nay, nếu kết quả làm bài của thí sinh tốt thì các trường sẽ ưu tiên chỉ tiêu cho phương thức này, chỉ tiêu còn lại cho phương thức xét tuyển từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT không còn nhiều thì điểm chuẩn theo xu hướng sẽ tăng.
TS Nguyễn Quốc Chính cho biết kỳ thi đánh giá năng lực tạo thêm cho thí sinh một cơ hội để xét tuyển vào ĐH. Nếu thí sinh có kết quả thi tốt, trúng tuyển vào ngành, trường mong muốn thì kỳ thi tốt nghiệp THPT tới đây sẽ rất nhẹ nhàng vì các em không còn áp lực xét tuyển ĐH. Với các trường (ĐH, CĐ) qua kỳ thi này sẽ chọn được những thí sinh có động lực, phù hợp để tuyển sinh.
Đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực diễn ra đồng loạt tại 7 tỉnh/ TP: TP HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, An Giang, Bến Tre, Bạc Liêu và Buôn Ma Thuột với tỉ lệ thí sinh dự thi từ 97% – 98%. Công tác tổ chức kỳ thi diễn ra đúng kế hoạch, tạo thuận lợi cho thí sinh, đề thi không ghi nhận sai sót…
Kết quả kỳ thi đánh giá năng lực dự kiến được công bố trước ngày 5-4.
Huy Lân