Tư vấn tâm lý học đường là hoạt động thiết thực

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường diễn biến phức tạp là công tác tư vấn tâm lý học đường chưa được quan tâm, thực hiện sát sao, hiệu quả. Vì sao lại như vậy, giải pháp nào để khắc phục là nội dung cuộc trao đổi giữa Hà Nội Ngày nay với ông Đỗ Doãn Hải, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội.
– Thưa ông, tư vấn tâm lý học đường, dù rất quan trọng nhưng là phần việc còn rất nhiều hạn chế trong các nhà trường ở Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố trong cả nước. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?
– Có 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất, các cấp quản lý giáo dục, các nhà trường và toàn xã hội chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này. Nhiều người chưa thấy tư vấn tâm lý là sự hỗ trợ tâm lý để học sinh tự nâng cao hiểu biết về bản thân, về gia đình và các mối quan hệ xã hội, từ đó có thể tự đưa ra quyết định khi gặp những tình huống khó khăn trong học tập và đời sống. Tư vấn không chỉ là sự trợ giúp tâm lý mà còn giúp học sinh rèn luyện kỹ năng sống, tăng cường ý chí, niềm tin, bản lĩnh, thái độ ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ xã hội, góp phần xây dựng và hoàn thiện nhân cách, giúp các em có cuộc sống lành mạnh, thân thiện, là cơ sở ngăn ngừa, phòng chống bạo lực học đường. Khi các em trở thành con ngoan, công dân tốt, có một cuộc sống cá nhân hạnh phúc thì sẽ đem lại niềm vui cho mọi người và đóng góp tích cực cho xã hội. Thứ hai, hiện nay, cán bộ tư vấn tâm lý chuyên trách còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng. Chúng ta chưa có đủ cán bộ được đào tạo đúng chuyên ngành, phải sử dụng những cán bộ, giáo viên không có nghiệp vụ hoặc mới chỉ được đào tạo ngắn ngày. Thứ ba, chúng ta chưa có đủ chương trình, tài liệu về tư vấn tâm lý; còn thiếu cơ sở vật chất như phòng, lớp, trang thiết bị hỗ trợ tư vấn và thiếu kinh phí để tổ chức các hoạt động này.
– Có phải vì các nhà trường chưa coi trọng công tác tư vấn tâm lý học đường nên những năm gần đây, tình trạng bạo lực học đường có dấu hiệu gia tăng?
– Tình trạng bạo lực học đường gia tăng và đạo đức học đường có biểu hiện sa sút là do rất nhiều nguyên nhân. Trong nhà trường, ngoài công tác tư vấn tâm lý thì các hoạt động dạy học và giáo dục đều có tác động rất mạnh mẽ tới đạo đức học sinh. Cùng với các bài giảng và các hoạt động giáo dục khác thì nhân cách, thái độ, hành vi, cách ứng xử của cán bộ, giáo viên cũng có tác động tích cực hay tiêu cực đến tình cảm và đạo đức của học sinh. Giáo dục gia đình và tác động của môi trường xã hội cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sự hình thành và phát triển nhân cách, trong đó có hành vi và cách ứng xử của học sinh.
Tư vấn tâm lý góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện nhưng chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ để phòng chống và giải quyết tình trạng bạo lực học đường. Cần có sự tham gia của các cấp, các ngành, của toàn xã hội…, đặc biệt là gia đình có trách nhiệm lớn nhất trong việc nuôi dưỡng, dạy con em. Cha mẹ phải là tấm gương sáng về đạo đức cho con noi theo.
– Đâu là mô hình tư vấn tâm lý học đường có hiệu quả, thưa ông?
– Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT ngày 18-12-2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về “Hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông” đã chỉ dẫn 5 hình thức thực hiện công tác tư vấn tâm lý, gồm: Xây dựng các chuyên đề về tư vấn tâm lý, bố trí thành bài giảng hoặc lồng ghép vào giờ sinh hoạt lớp…; tổ chức nói chuyện chuyên đề, hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ, diễn đàn về các chủ đề liên quan tư vấn tâm lý; thiết lập kênh thông tin, cung cấp tài liệu, trao đổi với phụ huynh về diễn biến tâm lý và những vấn đề cần tư vấn, hỗ trợ học sinh; tư vấn trực tiếp cho học sinh hoặc qua các phương tiện truyền thông; phối hợp với các tổ chức, cá nhân liên quan để tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh.
Thông tư cũng hướng dẫn việc phối hợp giữa các lực lượng giáo dục trong nhà trường; sự phối hợp giữa nhà trường với các lực lượng bên ngoài như: Cha mẹ học sinh, các chuyên gia, các trung tâm tư vấn tâm lý chuyên nghiệp, các cá nhân và tổ chức về khoa học tâm lý giáo dục, các đoàn thể và tổ chức chính trị – xã hội… Trong thực tế, nếu vận dụng linh hoạt, phù hợp hoàn cảnh, điều kiện cụ thể về con người, kinh phí, cơ sở vật chất thì công tác tư vấn tâm lý mới có thể đạt hiệu quả cao.
– Có ý kiến cho rằng, công tác tư vấn tâm lý học đường phải trở thành một nội dung “cứng” của công tác giáo dục trong nhà trường, quan điểm của ông như thế nào?
– Những năm qua, tại một số trường học ở Hà Nội đã hình thành 3 mô hình tư vấn. Thứ nhất, nhà trường ký hợp đồng với các trung tâm tư vấn tâm lý chuyên nghiệp, mời các chuyên gia về trường tổ chức thực hiện đầy đủ các hoạt động tư vấn tâm lý một cách chuyên nghiệp. Theo cách này, nhà trường phải có nguồn kinh phí đủ cho các hoạt động và tương xứng với chất lượng của nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp. Thứ hai, tuyển dụng, thuê cán bộ tư vấn từ bên ngoài để thực hiện hoạt động tư vấn tâm lý theo yêu cầu của nhà trường. Theo cách này, nhà trường cũng phải chủ động kinh phí, lấy từ nguồn chi thường xuyên như Thông tư 31 đã hướng dẫn. Thứ ba, nhà trường lựa chọn cán bộ, giáo viên, đưa đi tập huấn, đào tạo về tư vấn tâm lý. Năm học 2019-2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức tập huấn cho hơn 130 cán bộ, giáo viên của các trường THPT công lập; đầu tư để các trường THPT có phòng tư vấn tâm lý với bàn ghế, máy tính… Những cán bộ, giáo viên tổ chức hoạt động tư vấn tâm lý được quy đổi thời gian tư vấn tâm lý là 8 tiết/tuần.
Dù theo mô hình nào, nhà trường cũng phải thực hiện tốt việc giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống để tạo cơ sở cho việc hình thành và phát triển nhân cách tốt đẹp của học sinh. Học sinh cần hiểu rõ, tin tưởng và sống theo các giá trị như “yêu thương’, “tôn trọng”, “khoan dung”, “khiêm tốn”… và phải được rèn luyện các kỹ năng sống như “giao tiếp”, “quản lý cảm xúc cá nhân”… Cần phối hợp chặt chẽ công tác tư vấn tâm lý với các hoạt động giáo dục nói chung để việc tư vấn tâm lý có hiệu quả cao.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện nay, việc đưa tư vấn tâm lý học đường thành nội dung “cứng” còn gặp khó khăn. Lý do: Chưa có đủ các điều kiện cần thiết, nhất là chưa có đội ngũ chuyên trách.
– Một vấn đề rất quan trọng, mang tính quyết định, là bảo đảm các điều kiện thực hiện công tác tư vấn tâm lý học đường. Theo ông, các điều kiện cần và đủ cho công tác này là gì?
– Có 4 điều kiện cơ bản. Một là, các nhà trường, đặc biệt là hiệu trưởng, cần có nhận thức đúng đắn về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác tư vấn tâm lý. Hai là, có đủ đội ngũ cán bộ chuyên trách được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về tư vấn tâm lý tại các cơ sở đại học có đào tạo chuyên ngành về khoa học tâm lý giáo dục. Ba là, có kinh phí, chế độ chính sách, cơ sở vật chất để thành lập tổ tư vấn, phòng tư vấn tâm lý trong nhà trường. Bốn là, có cơ chế phối hợp giữa các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường, đặc biệt là sự phối hợp giữa nhà trường và cha mẹ học sinh. Sự phối hợp giữa các cơ sở giáo dục với cơ quan truyền thông, báo chí cần được tăng cường để đẩy mạnh việc phổ biến thông tin hữu ích cho công tác tư vấn tâm lý học đường.
– Trân trọng cảm ơn ông!
LAM ÐIỀN