Vé tàu hỏa du lịch tuyến Đà Lạt – Trại Mát được bán online từ tháng 3 tới

 Vào tháng 3 tới, tàu hỏa chạy trên tuyến đường sắt răng cưa duy nhất ở Việt Nam từ Đà Lạt đi Trại Mát, dài 7km, sẽ được bán vé trực tuyến (online).
Ngày 27-2, theo thông tin từ ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Bình Thuận, thuộc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn, các đoàn tàu trên tuyến này đã hoạt động trở lại từ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, sau hơn nửa năm phải tạm dừng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Vào đầu tháng 3 tới, khách có thể đặt chỗ online thông qua các kênh bán vé của ngành đường sắt, thay vì phải mua trực tiếp như trong quãng thời gian qua.
Tàu Đà Lạt – Trại Mát được vận hành cố định các ngày thứ Sáu, Bảy và Chủ nhật hằng tuần, với ít nhất 2 đôi mỗi ngày. Trong đó, tàu ĐL5 xuất phát từ ga Đà Lạt lúc 9:50, đến Trại Mát lúc 10:20. Chiều ngược lại, tàu ĐL6 rời ga Trại Mát lúc 10:50 và đến Đà Lạt lúc 11:20. Buổi chiều, tàu ĐL11 rời Đà Lạt lúc 16:05, đến Trại Mát lúc 16:35; tàu ĐL12 rời Trại Mát lúc 17:05 đến Đà Lạt lúc 17:35.
Tàu hỏa chạy trên tuyến đường sắt Đà Lạt – Trại Mát. Ảnh: Phong Vinh
Ngoài các đoàn tàu trên, còn 4 đôi tàu khác nằm trong phương án hoạt động trên tuyến, khi nhu cầu tăng cao sẽ cho chạy để phục vụ khách.
Có 2 mức giá trên chuyến tàu Đà Lạt – Trại Mát là 88.000 đồng và 98.000 đồng/vé. Nếu mua vé cả hai lượt, khách sẽ được giảm giá 25%. Ngoài ra, các đơn vị hoặc cá nhân mua vé tập thể cũng sẽ được giảm giá từ 15%-40%, tùy thuộc vào số lượng vé.
Khoảng cách giữa hai ga Đà Lạt và Trại Mát chỉ dài khoảng 7km. Tuy nhiên, để trải nghiệm quãng đường ngắn nhưng thơ mộng này, du khách cần phải bỏ ra khoảng 1 tiếng đồng hồ cho cả chiều đi lẫn chiều về. Lý do là tốc độ của tàu chỉ rơi vào khoảng 15km/giờ.
Sở dĩ tàu chạy chậm là để tạo điều kiện cho du khách thoải mái ngắm vẻ đẹp lãng mạn của Đà Lạt qua khung cửa sổ của xe lửa. Du khách sẽ được ngắm nhìn đồi thông, vườn hoa đủ sắc màu, vườn rau xanh ngát…
Toa tàu được thiết kế giống với toa tàu cổ cách đây gần 100 năm, giúp du khách có thêm cảm hứng “sáng tác” những bức ảnh “check-in” làm kỷ niệm hoặc đăng lên mạng xã hội để “sống ảo”.
Ngoài ra, du khách còn được tham quan nhà ga Đà Lạt, công trình nổi bật với kiến trúc kiểu Pháp, được xây dựng từ những năm đầu của thế kỷ 20. Ga được thiết kế với hình dáng như núi Langbiang huyền thoại với chiều dài 66,5m, chiều ngang 14,1 m, chiều cao 11 m.
Du khách có thể thoải mái ngắm vẻ đẹp lãng mạn của Đà Lạt khi trải nghiệm trên chuyến tàu hỏa của tuyến đường sắt Đà Lạt – Trại Mát. Ảnh: Trần Hòa
Tuyến Đà Lạt – Trại Mát, được người Pháp bắt đầu xây dựng từ năm 1908 và đến năm 1932, là đoạn đường sắt còn lại của tuyến đường sắt leo núi Tháp Chàm – Đà Lạt trước đây với chiều dài 84km gồm 12 nhà ga và chạy qua 5 hầm xuyên núi.
Trong tuyến này có tuyến đường sắt răng cưa dài 16 km, gồm 3 chặng, với mục đích để leo núi. Những đoạn này được thiết kế thêm răng cưa ở giữa hai ray chính của đường sắt khổ 1.000 mm. Đầu máy xe lửa được thiết kế gắn thêm bánh răng để bám vào đường ray răng cưa.
Năm 1986, hầu như toàn bộ đường ray trên tuyến đường Tháp Chàm-Đà Lạt đã được tháo gỡ. Riêng đoạn đường sắt răng cưa Đà Lạt-Trại Mát vẫn được khai thác để phục vụ khách du lịch.
Đinh Nam