“Viêm cánh”, nỗi ám ảnh ngày hè
Trong khi đó, thực tế tình trạng tăng tiết mồ hôi vùng nách là hoàn toàn có thể chữa khỏi…
Vì đâu nên nỗi?
Trong cơ thể người được chia ra làm 2 loại tuyến mồ hôi đó là tuyến eccrine và tuyến apocrine, trong đó tuyến eccrine có vai trò tiết mồ hôi qua lỗ chân lông, từ đó giúp điều hòa làm mát cơ thể. Trước khi tuyến mồ hôi apocrine được đẩy lên bề mặt da thì nó đã đi qua nang lông chứa các chất béo, protein,… Khi vi khuẩn gặp các chất này sẽ phân hủy và tạo ra mùi hôi khó chịu. Cơ thể người càng toát nhiều mồ hôi sẽ càng gây mùi khó chịu.
Hôi nách xuất hiện ở một số người có tuyến mồ hôi đặc biệt, làm tăng tiết mồ hôi khu vực này, cộng với tích tụ vi khuẩn gây hôi. Đây là một bệnh lý không ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng lại gây tâm lý e ngại, khó khăn trong giao tiếp cuộc sống hàng ngày. Hôi nách trầm trọng hơn vào mùa nóng, khi mồ hôi ra nhiều hoặc vào tiết trời hanh khô.
“Viêm cánh” gây nhiều phiền toái…
Nguyên nhân gây bệnh
Do di truyền: Có nghiên cứu đã chỉ ra rằng nguyên nhân di truyền chiếm đến 60% tỷ lệ người mắc bệnh. Vì thế nếu như trong gia đình bạn có người bị hôi nách thì tỷ lệ bị bệnh sẽ cao hơn so với bình thường.
Do thói quen sinh hoạt hàng ngày: Đây cũng là nguyên nhân gây bệnh mà nhiều người chủ quan. Đặc biệt thói quen mặc đồ, vệ sinh, tắm giặt không sạch sẽ thường xuyên, nhất là sau khi chơi thể thao, vận động nhiều. Ngoài ra với nữ giới, việc cạo lông nách, nhổ lông nách thường xuyên có thể làm cho nang lông mở rộng, khiến tuyến mồ hôi to hơn, tăng tiết trên da nhiều hơn.
Do ăn uống: Chế độ ăn uống cũng có ảnh hưởng tới việc có mùi cơ thể. Nếu bạn ăn nhiều các loại thực phẩm có mùi như hành muối, tỏi, cà ri,… sẽ khiến tuyến mồ hôi tiết ra mùi khó chịu hơn bình thường.
Do tuổi tác: Độ tuổi ảnh hưởng tới việc tuyến mồ hôi hoạt động nhiều hay ít. Điển hình như ở độ tuổi dậy thì, tuyến mồ hôi sẽ hoạt động mạnh mẽ hơn, vì vậy dễ gây bệnh hơn.
Do bệnh lý: Một số bệnh lý đường tiêu hóa, tuyến giáp, thận cũng khiến tuyến mồ hôi tiết nhiều hơn và gây ra mùi. Đối với trường hợp này, nếu muốn trị dứt điểm bạn cần tìm được nguyên nhân gây bệnh chính xác.
Do tâm lý: Nhiều người bị chứng ra nhiều mô hôi mỗi khi căng thẳng, khi đó vi khuẩn sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ và gây mùi hôi nách.
Các phương pháp chữa trị
Hậu quả khi bị “viêm cánh” làm không ít người phải sống chung với bệnh trong thời gian dài, trở nên bi quan, rơi vào bế tắc, hạn chế tiếp xúc với mọi người mà chỉ sống thu mình, khép kín. Tuy nhiên, bệnh nhân thường không đạt được kết quả như mong muốn mà nhiều trường hợp còn khiến cho bệnh trầm trọng hơn.
Phương pháp dân gian: Điều trị triệu chứng bằng gừng, lá trầu không, dùng phèn chua chà xát vào vùng nách. Tuy nhiên, phương pháp này thường không giải quyết tận gốc nguyên nhân gây ra mùi hôi mà chỉ mang tính chất tạm thời.
Điều trị bằng thuốc: Chủ yếu dựa vào tác dụng giảm tiết mồ hôi. Một số thuốc có tác động trên hệ thần kinh giao cảm, song loại này thường đi kèm với nhiều tác dụng phụ không mong muốn. Tiêm botox cũng là biện pháp hiệu quả, tuy nhiên thường chỉ duy trì được kết quả trong vòng 6 – 8 tháng và đây cũng là phương pháp điều trị khá tốn kém.
Chữa trị bằng laser: Là phương pháp hiện đại, dựa trên cơ chế làm đông vón protein. Phương pháp này có nhiều ưu điểm, chẳng hạn như điều trị nhanh, không cần phẫu thuật, không gây chảy máu và không để lại vết sẹo. Thế nhưng, tia laser chỉ có hiệu quả cao đối với các thành phần ở trung bì, đồng thời giá thành cũng tương đối cao và phải thực hiện lặp lại nhiều lần.
Điều trị bằng phẫu thuật nội soi: Để điều trị tận gốc nguyên nhân nách có mùi, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định phẫu thuật cắt tuyến mồ hôi. Đây là phương pháp tương đối đơn giản và chi phí thấp. Song cũng giống như các loại phẫu thuật khác, cắt tuyến mồ hôi cũng là biện pháp xâm lấn, do đó đặc biệt khuyến cáo bệnh nhân nên thăm khám và tư vấn trực tiếp tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Điều này sẽ đảm bảo hơn về độ an toàn, tính thẩm mỹ sau phẫu thuật, tránh bỏ sót tuyến mồ hôi và giảm thiểu những biến chứng như tổn thương da hay đọng dịch lại sau mổ.
Khi bị hôi nách, nhất là khi thời tiết nắng nóng cần lựa chọn quần áo rộng rãi, thoải mái, đặc biệt là vải lụa, cotton mềm mại, thoáng khí và thấm hút mồ hôi tốt. Chú ý vệ sinh, tắm rửa cơ thể sạch sẽ hàng; thường xuyên vệ sinh lông nách để hạn chế vi khuẩn tích tụ trên da; tránh ăn uống các loại thức ăn có mùi như cà ri, tỏi, hành, ớt, các đồ ăn nhiều mỡ; uống nhiều nước, khoảng 1,5 – 2 lít mỗi ngày để thanh lọc cơ thể và giúp tuyến mồ hôi vùng nách hoạt động ổn định.