Việt Nam lọt top những quốc gia sử dụng smartphone nhiều nhất thế giới
Theo hãng nghiên cứu thị trường Statista, doanh số bán điện thoại thông minh trên toàn cầu vẫn liên tục tăng trưởng. Lượng điện thoại thông minh bán ra hàng năm tăng hơn gấp ba lần từ 2009 – 2015. Sau đó, thị trường bắt đầu ổn định khoảng 1,5 triệu chiếc mỗi năm.
Năm 2020, các nhà cung cấp điện thoại thông minh đã bán ra khoảng 1,38 tỷ điện thoại thông minh trên toàn thế giới. Và con số sẽ tiếp tục tăng lên trong năm 2021 với con số dự đoán trên 1,53 triệu chiếc
Số liệu điều tra của hãng nghiên cứu thị trường Statista cho thấy, tính đến tháng 5/2021, Trung Quốc vẫn là quốc gia dẫn đầu về lượng người dùng smartphone với gần 912 triệu người.
Dù con số ít hơn tới một nửa, nhưng Ấn Độ cũng xếp thứ 2 sau Trung Quốc với trên 439 triệu chiếc. Hai quốc gia này sẽ tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng bởi dân số đông và được đánh giá là các thị trường có tiềm năng tăng trưởng mạnh khi tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh tương đối thấp, Statista bình luận.
Trong số các quốc gia Đông Nam Á, Indonesia và Việt Nam là hai thị trường có lượng người dùng cao nhất. Số liệu cho thấy, Indonesia có tới 160,2 triệu người dùng điện thoại thông minh và xếp thứ 4 trong bảng xếp hạng. Việt Nam có 61,3 triệu người dùng, ở trong top 10 quốc gia có lượng người dùng smartphone đông nhất thế giới.
Philippines và Thái Lan có tỷ lệ người dùng thấp hơn, với lần lượt là 41,3 và 37,8 triệu người dùng.
Tỷ lệ thâm nhập điện thoại thông minh có thể được sử dụng như một chỉ số để đo lường mức độ tiên tiến của nền kinh tế của một quốc gia. Lượng người sử dụng điện thoại thông minh và tỷ lệ thâm nhập của smartphone cũng được xem là một trong những cơ sở phát triển nền kinh tế số.
Năm 2020, tỷ lệ thâm nhập điện thoại thông minh tại Việt Nam xếp thứ 9 với chỉ số 63,1%, cao hơn Indonesia với tỷ lệ thâm nhập 58,6% và Philippines ở mức 37,7%.
Việt Nam cũng được đánh giá là thị trường kinh tế số có mức tăng trưởng cao và tiềm năng trong khu vực Đông Nam Á.
Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, năm 2020 nền kinh tế kỹ thuật số khu vực Đông Nam Á ghi nhận sự tăng trưởng của thương mại điện tử, giao đồ ăn và truyền thông trực tuyến trong bối cảnh đại dịch. Theo đó, thanh toán số đạt 620 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến đạt 1,2 nghìn tỷ USD vào năm 2025.
Truyền thông trực tuyến cũng đạt mức tăng trưởng 22%, đạt 17 tỷ USD vào năm 2020. Điều này được thúc đẩy bởi sự gia tăng bứt phá của các nhà cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến (video streaming), mức tăng trưởng đạt 12 lần ở Việt Nam và 18 lần ở Thái Lan.
Theo đánh giá, Việt Nam và Indonesia là hai quốc gia có ghi nhận mức tăng trưởng hai con số cho nền kinh tế số. Trong đó nền kinh tế số Việt Nam đạt tổng giá trị khoảng 14 tỷ USD và dự kiến đạt 52 tỷ vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng bình quân từ nay đến đó là 29%. Trong bối cảnh đại dịch, kinh tế Internet tại Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng của là vận tải, thực phẩm, thương mại điện tử và fintech.
Duy Vũ