Vỡ mộng “tỷ phú” trầm hương

Trầm hương là sản phẩm của cây dó bầu. Sự đắt đỏ của nó khiến nhiều người ôm mộng đổi đời, đổ xô trồng cây dó bầu để rồi 15 năm sau vỡ mộng… “tỷ phú” trầm hương.
Trầm và kỳ nam đều là sản phẩm đặc biệt được hình thành từ lõi của cây dó bầu. Trầm hương Việt Nam được thị trường thế giới ưa chuộng và mua với giá rất cao. Mỗi kg trầm hương có giá vài triệu đến vài chục triệu đồng. Còn kỳ nam thường đắt gấp 10-20 lần so với trầm hương.
Cuối những năm 1990, đầu những năm 2.000, người dân cả nước bị sốc bởi liên tục những tin đồn phu rừng trúng quả kỳ nam, sau một đêm thành tỷ phú. Người người đổ xô vào rừng ráo riết đào bới săn sản vật vô giá của rừng già.
Khi sản phẩm tự nhiên cạn kiệt, hàng nghìn gia đình đã đổ xô trồng dó bầu. Lúc bấy giờ, dó bầu được kỳ vọng là cây xóa đói giảm nghèo, cây làm giàu cho người dân miền núi.

 

Sau 15 năm trồng cây dó bầu, ông On vỡ mộng “tỷ phú” trầm hương.

Nhà nước cấp giống cho dân trồng. Nhiều người còn tự ươm giống, mua giống trồng hàng nghìn cây trong vườn nhà, vườn rừng hy vọng tự tạo ra trầm, chờ ngày thành … “tỷ phú” trầm hương.
Tìm đến huyện vùng cao Trà Bồng, nơi từng là thủ phủ dó bầu, phải dò hỏi nhiều người dân bản địa, chúng tôi mới tìm ra một vài hộ dân còn giữ cây dó.
Tìm đến gia đình ông Hồ Thanh On, ở thôn Đông, xã Trà Sơn, người đi tiên phong trồng cây dó bầu trên vùng đất này. Ngôi nhà cũ kĩ lọt thỏm giữa vườn dó bầu. Cả mái nhà trên không còn viên ngói nào, nhà bếp bị sập hoàn toàn vì vườn dó ngã đổ đè lên mái hồi cơn bão số 9 hồi năm ngoái, ông On chẳng buồn sửa lại.
Lang thang giữa vườn dó bầu, ông On kể: Là người con của núi rừng nên ông hiểu giá trị thực của trầm hương. Năm 2005, một người bà con làm công nhân cho một người chuyên trồng dó bầu ở Bình Phước. Ông nảy sinh suy nghĩ làm giàu từ  dó bâu, nhờ người này xin hạt về ươm trồng.

Cây dó đổ ngã la liệt sau bão số 9.

Ông ươm được khoảng 5.000 cây dó bầu, bán cho bà con khắp nơi. Riêng ông gia đình ông trồng khoảng 1.000 cây giờ chỉ còn hơn 100 cây trong vườn nhà, trên rẫy.
“Lúc đó, tôi nghĩ đơn giản lắm. Với 1.000 cây dó, 10 năm sau bán một cây 10 triệu đồng thì được 10 tỷ. Thế nhưng, vừa trồng cây bị bệnh chết hàng loạt, cây sống đến tuổi chẳng ai mua, không biết cách cấy tạo trầm”, ông bỏ dở câu nói mắt nhìn xa xăm.
Đã hơn 15 năm qua, giấc mơ ấy “tỷ phú” trầm hương của ông On vẫn xa vời. Thua buồn, ông bán 116 dó được 55 triệu đồng, trung bình chưa tới 500.000 đồng/cây.
Vườn dó ông bán cho tư thương tận Đà Nẵng, họ về khoan đục lỗ cho thuốc vào cấy, nhưng cũng đã 3 năm chưa ai dám chắc có tạo được trầm.

Một cây dó đã được khoan lỗ cấy hóa chất.

Để tạo được trầm hương phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.

Đưa chúng tôi ra góc vườn, nơi có cây gỗ sưa (huỳnh đàn) cao sừng sững, cành lá sum suê, ông On tiếc nuối: “Cây này trồng cùng lúc với dó bầu, nhiều người trả hơn 10 triệu đồng tôi không bán. Hồi đó mà trồng gỗ sưa thì giờ đã thành tỷ phú. Cây sưa thời nào cũng có giá trị gỗ, còn cây dó bầu không tạo được trầm có nước làm củi. Thân nó mềm xốp, không có lõi”.

Ông Hồ Văn Kỳ, người cùng thôn với ông On cũng trồng hàng trăm cây dó bầu, bao năm vật lộn với giấc mơ thành “tỷ phú”. Vườn dó bầu chỉ còn sót lại 20 cây.
Ông đã tìm hiểu kỹ thuật khoan lỗ cấy tạo trầm, dò hỏi đội thợ chuyên cấy trầm được biết giá thuốc vài triệu đồng một lít, cấy được vài ba cây, nhưng chưa chắc đã tạo được trầm.
Không có tiền đầu tư nuôi tiếp giấc mơ “tỷ phú”, thương lái trả giá 1 triệu đồng/cây, rẻ quá ông tiếc công sức chăm bón chưa bán đi.
Ông Kỳ đi rừng từ nhỏ nên đúc kết được kinh nghiệm. Trầm tự nhiên trong rừng thường là ở những cây dó cả trăm năm tuổi, bị gãy đổ, thương tích, kiến tha vô làm tổ, tiết ra nhựa để bảo vệ vết thương, lâu ngày tinh dầu kết tinh thành trầm, kỳ nam.

Dó ngã đổ, người dân cắt làm củi.

“Vài triệu cây mới tìm được một cây có trầm,không dễ gì có trầm hay chích thuốc tạo ra trầm. Có cấy hóa chất nếu đạt cũng cho ra loại trầm kém chất lượng, giá không bao nhiêu”- ông Kỳ chia sẻ.
Cả huyện chưa ai tạo được trầm

Chủ tịch UBND xã Trà Sơn, Đinh Văn Phong xác nhận: Mô hình trồng dó bầu cấy tạo trầm không hiệu quả như kỳ vọng nên nhiều người phá bỏ trồng cây khác, số cây dó còn lại bị ngã đổ rất nhiều sau bão số 9 khiến bà con thua lỗ. Cả xã chưa ai tạo được trầm từ cây dó nên bán cho tư thương, doanh nghiệp với giá rất rẻ, chỉ vài trăm nghìn đồng mỗi cây.

Cây dó bầu mà sản phẩm đặc biệt của nó là trầm hương và kỳ nam đã có lịch sử rất lâu đời. Nhiều người cứ nghĩ trồng cây dó đến 7-8 năm tuổi có thể khoan rồi cho axít hoặc chế phẩm sinh học đợi vài năm sau tạo trầm, sẽ thành tỷ phú.
Theo anh Hải, ở xã Trà Hiệp (Trà Bồng), công nhân chuyên cấy tạo trầm cho một doanh nghiệp sản xuất nhang trầm ở Quảng Nam cho biết, thực tế tạo trầm không đơn giản như nhiều người nghĩ, không phải người dân nào cũng làm được.
Cây dó bầu con.
Gần đây, cũng có một số sáng kiến tạo trầm thành công nhưng rất khó nhân rộng. Ngay cả những doanh nghiệp lớn cũng chưa chắc thành công. Sự hình thành trầm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như loài dó, thổ nhưỡng và thảm thực vật nơi cây dó sống, chất lượng chế phẩm loại thuốc cấy tạo trầm…
“Chính vì có nhiều yếu tố tác động nên trong rừng tự nhiên đã rất khó để có thể tìm thấy một cây dó bầu có trầm huống chi là cấy tạo trầm. Mình chuyên cấy tạo trầm nhưng cả huyện Trà Bồng chưa ai cấy tạo thành công”- anh Hải nói.
Công ty TNHH MTV Sản xuất và thương mại Hương Trầm ở Khu Công nghiệp Bình Nguyên (Bình Sơn) là doanh nghiệp chuyên sản xuất hương trầm đã hơn 10 năm. Nguồn liệu công ty liệu nhập về từ các tỉnh Đồng Nai, Quảng Nam…
Bà Phạm Thị Phú Tiên, giám đốc công ty cho biết, lâu nay không biết Quảng Ngãi có nguồn nguyên liệu gió bầu cũng chưa thấy ai đến đặt vấn đề bán dó bầu. Nguyên liệu nhập từ các tỉnh khác có chất lượng tốt. Giá cả tùy thuộc chất lượng. Tuy nhiên, giá trị sử dụng của cây dó thua kém những loại cây khác nên việc trồng dó bầu cũng không mang lại lợi ích cao cho người dân.
Nguồn: Báo Quãng Ngãi