Các gia đình nên cúng gì trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương?
Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày lễ đặc biệt của đất nước, ngày mà tất cả mọi người dân đều một lòng hướng đến những vị vua đã có công xây dựng và giữ gìn đất nước trong những năm đầu khai dựng lịch sử Việt Nam.
Ảnh minh họa
Năm 1962, Đền Hùng được Bộ Văn hoá (Nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử Quốc gia. Với tinh thần kế thừa và phát triển, năm 1990 và 1995, Bộ Văn hoá – Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ hội Đền Hùng – Giỗ Tổ Hùng Vương theo nghi thức Quốc gia trọng thể, trang nghiêm.
Vào ngày này, người dân khắp mọi miền tụ họp về chân núi Ngọc Lĩnh – Phú Thọ để cùng dâng hương tưởng nhớ các vị vua Hùng, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với tất cả những con người đã có công dựng nước và giữ nước, mang trong mình một lòng thành kính đối với tổ tiên.
Và không chỉ có những người con Lạc cháu Hồng tìm về với nguồn cội, mà mọi người dân trong cả nước cũng chuẩn bị những mâm cúng thịnh soạn cho ngày Giỗ Tổ.
Lễ vật cúng Giỗ Tổ Hùng Vương tại nhà:
Lễ vật thờ cúng dịp Giỗ Tổ có lễ chay và lễ mặn, tùy theo ý muốn và điều kiện của gia chủ. Mỗi vùng miền có thể sẽ có một cách thức chuẩn bị, bày trí mâm cơm cúng theo phong tục riêng biệt nhưng ý nghĩa của mâm cơm cúng tổ tiên bao đời vẫn vậy, ngàn năm chưa từng đổi thay.
Mâm cơm cúng Vua tổ cần có những món cơ bản là: Bánh chưng, bánh giầy và cơm tẻ. Món bánh chưng, bánh giày là 2 sản vật thời kỳ Hùng Vương tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở của muôn loài. Cơm tẻ cũng do Vua Hùng dậy dân cấy lúa mà ra, là lương thực hàng ngày, nên trong mâm cỗ có nếp, có tẻ cũng như có âm có dương đầy đủ sẽ sinh sôi. Bát nước chấm đặt giữa mâm hình tròn với 4 bát cơm đặt 4 góc mâm, tượng trưng cho trời đất vũ trụ, mà con người dù ở cõi âm hay dương đều có cuộc sống trong đó.
Ngoài ra, hương, hoa, trầu cau, muối gạo và 1 ly nước sạch cũng là những thứ không thể thiếu trên mâm lễ.