5 lý do BĐS hàng hiệu là nơi tích lũy tài sản của giới siêu giàu
Giá bán có thể cao hơn đến 132% so với phân khúc hạng sang thông thường, bất động sản hàng hiệu đang chứng minh lợi thế trong mắt giới đầu tư siêu giàu nhờ giá trị tích sản riêng biệt.
Khái niệm tài sản và tiêu sản lần đầu được Robert Kiyosaki nhắc đến trong Cha giàu, cha nghèo – cuốn sách được xuất bản cách đây hơn hai thập kỷ. Theo đó, tài sản là những gì bạn bỏ tiền từ trong túi ra để sở hữu chúng, sau đó chúng mang tiền cho lại vào trong túi của bạn, và trong tương lai, tiền sinh lời so với số đã bỏ ra ban đầu.
Tầng lớp giàu có – những người đầu tư thông minh luôn hướng thêm đến tài sản tích sản. Đây là hình thức đầu tư vào các tài sản với mục đích đảm bảo năng lực tài chính trọn đời, mà ở đó, tài sản có tiềm năng phát triển giá trị vượt bậc và bền vững trong dài hạn.
Một trong những tích sản đang thu hút giới siêu giàu thế giới là bất động sản hàng hiệu – phân khúc ngày càng phát triển mạnh mẽ với mức tăng trưởng 170% trong khoảng một thập kỷ qua.
Khái niệm bất động sản hàng hiệu lần đầu tiên xuất hiện với dự án khách sạn Sherry-Netherland tại Manhattan (Mỹ) vào năm 1927. Mặc dù có tuổi đời lên đến gần 100 năm, dự án khách sạn này vẫn đang vận hành. Một căn hộ chiếm toàn bộ tầng 18 với diện tích 650 m2 tại đây đã được bán với mức giá lên đến 95 triệu USD vào năm 2012.
Nguồn cung hạn chế sẽ bảo vệ giá của sản phẩm bất động sản hàng hiệu. Thêm vào đó rủi ro mất giá từ sự xuống cấp của tòa nhà đối với bất động sản hàng hiệu sẽ thấp hơn nhiều so với bất động sản thông thường, nhờ sự đầu tư của thương hiệu trong khâu quản lý vận hành sau khi bán.
“Khi thương hiệu gắn tên mình với một dự án bất động sản, họ sẽ liên tục đầu tư vào dự án và không ngồi không”, ông Paul Tostevin – chuyên gia nghiên cứu, một trong những tác giả của báo cáo về bất động sản hàng hiệu của Savills – cho biết. “Họ đầu tư vào dự án cũng là vì lợi ích của thương hiệu. Ví dụ điển hình là khu căn hộ tại resort Four Seasons, Costa Rica. Sau 13 năm đi vào hoạt động, loạt căn hộ được cải tạo lại vào năm 2017 với tổng giá trị đầu tư lên đến 35 triệu đôla Mỹ, ông Paul Tostevin cho hay.
Theo ông Tostevin, cho thuê căn hộ mang thương hiệu khách sạn dễ dàng hơn, nhờ chính sách thuê lại và cơ sở dữ liệu khách thuê tiềm năng sẵn có. Nghiên cứu từ WATG cho thấy phần lớn (80%) chủ sở hữu bất động sản hàng hiệu tham gia vào các chương trình cho thuê. Khi nhà đầu tư muốn bán, nhu cầu mua lại cũng lớn hơn, nhờ sức hút toàn cầu của thương hiệu, từ đó tạo ra lợi nhuận đầu tư hấp dẫn.
Các dự án bất động sản hàng hiệu được phát triển dựa trên thỏa thuận hợp tác giữa một thương hiệu, thường trong lĩnh vực nghỉ dưỡng, và một đơn vị phát triển dự án. Nhờ yếu tố này, các dự án nhà ở luôn đạt tiêu chuẩn của những thương hiệu khách sạn về chất lượng, quản lý và dịch vụ. Khách hàng mua bất động sản được sở hữu tài sản lâu dài như một ngôi nhà thông thường với đầy đủ tiện ích và sự sang trọng của một khách sạn 5 sao.
Một chiếc túi xách mang thương hiệu Chanel, Hermes Birkin hay xe Rolls- Royces Phantom thì dù người sử dụng ở Mỹ hay Việt Nam, thương hiệu đó vẫn mang đúng giá trị với sự chất lượng, thời thượng và phong cách của nó. Tương tự, một sản phẩm bất động sản mang thương hiệu nhà phát triển Marriott, những tiện ích và tiêu chuẩn trong vận hành của Marriott sẽ luôn được đảm bảo dù dự án nằm ở bất kỳ đâu trên thế giới.
Thống kê của Savills cho thấy hiện nay, các thương hiệu chuỗi khách sạn lớn như Marriot, IHG, Wyndham cùng nhiều cái tên khác đang thống trị thị trường nhà ở hàng hiệu. Mặt khác, hoảng hơn 10 thương hiệu dù không hoạt động trong lĩnh vực khách sạn nhưng cũng dự kiến “lấn sân” thị trường vào năm 2025, bao gồm Aston Martin, Lamborghini hay Ellie Saab.
So với các khu nhà ở hạng sang thông thường – dự án thường được phát triển bởi nhà phát triển bất động sản trong nước hoặc quốc tế, bất động sản mang thương hiệu khách sạn mang đến cho người mua và cả người sử dụng sự hấp dẫn, quen thuộc, thậm chí yên tâm hơn khi đầu tư. Loại hình bất động sản này còn hứa hẹn nhiều tiêu chuẩn về mặt thương hiệu, tạo nét khác biệt so với những dự án nhà ở khác trên thị trường.
Cũng như nhiều loại hình bất động sản khác, vị trí là một trong những yếu tố quan trọng nhất tạo nên giá trị của dự án nhà ở hàng hiệu.
Dữ liệu mới nhất từ Savills đã chứng minh rằng hầu hết dự án bất động sản mang thương hiệu khách sạn trên toàn cầu đều ở các vị trí trong thành phố, bao gồm cả khu đô thị hay khu nghỉ dưỡng đô thị, nhờ công suất cho thuê và lợi nhuận đầu tư cao hơn.
Sản phẩm bất động sản thương hiệu đầu tiên trên thế giới Sherry-Netherland nằm trên Đại lộ số 5 (Fifth Avenue), con đường biểu tượng cho sự giàu có và xa hoa bậc nhất của New York. Điều này đã tạo ra dấu ấn riêng biệt ngay từ ban đầu cho các sản phẩm bất động sản thương hiệu với tiêu chí chỉ xuất hiện ở những vị trí “vàng” và đẳng cấp nhất khu vực.
Riêng tại khu vực Bắc Mỹ, 2/3 dự án được phát triển tại những thành phố lớn mà New York và Miami chiếm tỷ lệ lớn nhất. Trong khi đó, tại châu Á – Thái Bình Dương, các dự án được phân bổ đều ở những vị trí vàng tại các thành phố lớn như Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia), Sydney (Australia), Macau, Hong Kong (Trung Quốc)… hay ở những hòn đảo riêng biệt.
Tòa nhà The St. Regis Kuala Lumpur – một thương hiệu thuộc tập đoàn Marriott International – bao gồm cấu phần khách sạn và căn hộ hàng hiệu tọa lạc tại vị trí đắc địa của trung tâm KL Sentral.
Chuyên gia Muriel Muirden, người từng dành hơn 9 năm làm việc tại vị trí Phó tổng giám đốc chiến lược của Tập đoàn WATG – đơn vị tư vấn thiết kế hàng đầu thế giới trong lĩnh vực khách sạn – nghỉ dưỡng, cho rằng tầng lớp siêu giàu ngày càng quan tâm đến bất động sản ở vị trí lõi trung tâm đô thị lớn, do họ hiểu đây là nơi “trú ẩn an toàn” cho các khoản đầu tư.
Để được gắn liền với một thương hiệu nổi tiếng toàn cầu, dự án phải đạt được những tiêu chuẩn khắt khe và cao hơn một dự án bất động sản hạng sang thông thường.
Theo phân tích của Savills, chi phí phát triển dự án bất động sản hàng hiệu cao hơn, do tiêu chuẩn nội thất cao cấp nhất thị trường và thiết kế dành nhiều diện tích cho không gian chung và tiện ích. Bên cạnh đó, dự án bất động sản hàng hiệu còn đem đến những dịch vụ và tiện ích đẳng cấp vượt trội, cũng như đặc quyền nâng hạng thành viên trong chương trình khách hàng thân thiết của chuỗi khách sạn quốc tế đó.
Hiện nay, ngày càng nhiều tập đoàn nghỉ dưỡng và khách sạn quốc tế cho phép chủ sở hữu tài sản đổi nơi ở với một bất động sản tiêu chuẩn tương tự nằm ở thành phố khác trong mạng lưới của tập đoàn, thông qua các chương trình khách hàng thân thiết. Từ đó, việc sở hữu một căn hộ hàng hiệu cũng trở thành “thẻ visa” gia nhập các cộng đồng thượng lưu tinh hoa trên toàn thế giới cho khách hàng.
Những điểm khác biệt này tạo nên giá trị chênh lệch giữa bất động sản hàng hiệu và dòng sản phẩm bất động sản thông thường. Savills cũng phân tích, giá căn hộ hàng hiệu tại các thị trường mới chênh lệch đáng kể với căn hộ không có hàng hiệu, một phần vì tiêu chuẩn hai dòng sản phẩm có sự chênh lệch quá lớn, ngay cả khi so sánh với những dự án bất động sản hạng sang mới xây dựng.
Việc sở hữu bất động sản từ lâu đã là kênh đầu tư và tích lũy tài sản quen thuộc của giới siêu giàu trên thế giới. Theo thống kê của Knight Frank năm 2019, việc phân bổ tài sản của giới siêu giàu vào bất động sản đứng ở vị trí cao nhất, chiếm đến 27% so với các loại hình tài sản khác như vốn chủ sở hữu (23%), trái phiếu (17%), tiền tệ (11%) hay vàng và các kim loại quý (3%).
Tuy nhiên theo thời gian, yêu cầu về chất lượng bất động sản của nhóm dân số 1% đang thay đổi với những yêu cầu đặc biệt về tính riêng tư, chất lượng thiết kế, các dịch vụ và thương hiệu của khu dân cư. Khi sở hữu một sản phẩm bất động sản xứng tầm, khách hàng có thể gián tiếp khẳng định vị thế của họ trong xã hội, đặc biệt là với văn hóa phương Đông.
Tại Singapore, việc sở hữu bất động sản là một trong những tiêu chí hàng đầu trong tích lũy tài sản của giới siêu giàu. Với giới nhà giàu ở quốc đảo sư tử, việc sở hữu biệt thự sân vườn là một đặc quyền, khi cả nước chỉ có 2.700 sản phẩm biệt thự vườn. Trong khi đó, một bộ phận khác muốn hưởng thụ cuộc sống vừa tiện nghi, vừa năng động nhưng vẫn đảm bảo đẳng cấp về phong cách sống, lại tìm đến những căn hộ siêu sang trên đường Orchard với giá khởi điểm từ 22 triệu USD.
Tại Việt Nam, báo cáo The Wealth Report 2021 chỉ ra có 390 người sở hữu giá trị tài sản ròng từ 30 triệu USD trở lên – thuộc nhóm UHNWI của thế giới, và con số này sẽ tăng 31% trong 5 năm tới, đạt tốc độ hàng đầu thế giới. Tính đến năm 2025, số lượng người sở hữu giá trị tài sản ròng từ 1 triệu USD trở lên tại Việt Nam được ước tính tăng lên 25.812 người.
Tâm lý của những khách hàng mới giàu cũng góp phần tạo ra mức giá chênh lệch của bất động sản hàng hiệu, theo phân tích của Savills. Với nhóm khách hàng này, các thương hiệu cao cấp xa xỉ sẽ có sức hút hơn, bởi họ coi việc sở hữu những thương hiệu là biểu tượng của thành công. Sở hữu bất động sản hàng hiệu vừa có giá trị khẳng định địa vị vừa là lựa chọn đầu tư an toàn.
Nguồn Zing News