Nhật Bản ủy quyền cho Việt Nam giám sát vải xuất sang Nhật
Do diễn biến dịch bệnh Covid-19 ngày càng phức tạp, phía Nhật Bản đã chính thức ủy quyền cho cơ quan kiểm dịch thực vật của Việt Nam giám sát vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Cục Bảo vệ thực vật giám sát vải thiều xuất Nhật
Theo thông tin từ Thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật, năm nay, Nhật Bản ủy quyền việc giám sát khử trùng vải thiều xuất khẩu sang thị trường này cho cơ quan kiểm dịch thực vật phía Việt Nam. Do đó, khi nào có hàng hóa xuất khẩu đi Nhật Bản, Cục Bảo vệ thực vật sẽ cử lực lượng kiểm dịch về địa phương để hỗ trợ, phối hợp.
Vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật đã đi kiểm tra và đánh giá hai cơ sở xử lý vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản. Ngoài các cơ sở đã được công nhận ở Bắc Giang thì vụ vải năm nay sẽ có thêm hai cơ sở tại Hải Dương.
Hiện, tất cả các cơ sở đều đã sẵn sàng khử trùng vải thiều phục vụ xuất khẩu sang Nhật Bản. Các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói… ở các địa phương đều đã sẵn sàng chuẩn bị xuất khẩu vải sang các thị trường.
Đối với các doanh nghiệp, ngoài các doanh nghiệp đã từng hợp tác xuất khẩu vải trong những năm trước, Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục liên hệ với các doanh nghiệp để phối hợp với các địa phương trong việc đăng ký các mã số vùng thu mua phục vụ cho xuất khẩu.
Đến nay, các điều kiện về vùng sản xuất vải thiều và xông hơi, khử trùng đã được chuẩn bị đầy đủ, cơ bản đáp ứng yêu cầu của thị trường Nhật Bản.
Vải thiều Việt Nam bày bán trên kệ hàng tại Nhật Bản năm 2020.
Chuẩn bị tốt chuỗi cung ứng xuất khẩu vải thiều
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 khi vụ thu hoạch một số loại rau quả như vải thiều đang đến gần, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp đã có chỉ đạo kịp thời để tổ chức tiêu thụ tốt sản phẩm, bảo đảm chuỗi cung ứng xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản, Trung Quốc không bị gián đoạn.
Theo đó, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lê Quốc Doanh, yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch thực vật chủ động theo dõi, bám sát tình hình thực tế và kịp thời thông báo những thay đổi trong quy trình chống dịch của Trung Quốc ảnh hưởng đến thời gian thông quan để kịp thời xử lý.
Bố trí lực lượng kiểm dịch thực vật để hỗ trợ kiểm tra đối với xuất khẩu nông sản tránh ùn tắc tại cửa khẩu…
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị báo cáo Bộ trưởng về cuộc họp trực tuyến với một số địa phương trọng điểm, các doanh nghiệp lớn nhằm bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ quả vải, nhãn và một số rau củ quả khác tại thị trường trong nước trước tác động của dịch Covid-19.
Khẩn trương báo cáo Bộ về kế hoạch thị sát tại các tỉnh biên giới trọng điểm về tình hình tiêu thụ, xuất khẩu rau quả (trước mắt tại Móng Cái, Quảng Ninh và Lạng Sơn) để nắm bắt tình hình, kịp thời có giải pháp trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với các huyện chỉ đạo mở rộng vùng sản xuất vải xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản với 30 mã số vùng trồng, diện tích 219,4 ha, sản lượng khoảng 1.800 tấn, thời gian dự kiến thu hoạch vải thiều xuất khẩu từ ngày 20-5 đến 10-7.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cũng đề nghị Cục Bảo vệ thực vật tạo điều kiện bố trí chuyên gia lên giám sát vùng trồng vải xuất khẩu, việc xông hơi, khử trùng và công tác kiểm dịch thực vật tại tỉnh Bắc Giang trong thời gian thu hoạch vải phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.