Khi vợ chồng ly hôn của hồi môn sẽ được chia ra sao?
Bạn đọc Nguyễn Thị Thanh (TP HCM) hỏi: “Khi tôi lập gia đình, ba tôi cho tôi một căn nhà làm của hồi môn. Nay vợ chồng tôi ly dị, tôi có phải chia tài sản là căn nhà mà ba tôi đã cho?”.
– TS Nguyễn Vinh Huy – Chủ tịch sáng lập Hệ thống Luật Thịnh Trí, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam – trả lời: Theo thông tin bạn cung cấp, khi kết hôn, bạn được cho một căn nhà gọi là của hồi môn nên nó chỉ được coi là tài sản riêng nếu bố mẹ bạn thể hiện rõ ý chí là tặng riêng bạn số tài sản đó. Lúc đó, số tài sản này sẽ không bị đem ra chia theo quy định của pháp luật. Trường hợp của hồi môn là tài sản chung do được tặng cho chung (khi cho, bố mẹ có nói là tặng hai vợ chồng) hoặc trong quá trình chung sống, hai vợ chồng bạn có thỏa thuận số của hồi môn này là tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại điều 46 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 về việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung. Cụ thể như sau: Việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung được thực hiện theo thỏa thuận của vợ chồng. Tài sản được nhập vào tài sản chung mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì thỏa thuận phải bảo đảm hình thức đó. Nghĩa vụ liên quan đến tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung được thực hiện bằng tài sản chung, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Đối với trường hợp này thì số tài sản này sẽ bị chia đôi theo quy định tại khoản 2 điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Tuy nhiên việc chia tài sản này có tính đến các yếu tố: Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung; lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập; bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.