Hướng dẫn làm hộ chiếu gắn chip điện tử

Người đề nghị cấp hộ chiếu cần điền đầy đủ thông tin và nộp tờ khai theo mẫu trong Thông tư 73 mới nhất của Bộ Công an, cùng với 2 ảnh chân dung, và làm thủ tục tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh.

Mẫu hộ chiếu gắn chip điện tử mới đây đã được quy định cụ thể trong Thông tư số 73 của Bộ Công an, có hiệu lực từ ngày 14/8/2021. Vậy nếu muốn làm hộ chiếu gắn chip điện tử, người dân sẽ thực hiện ở đâu, cần những giấy tờ, thủ tục gì?

Theo Thông tư mới ban hành, hộ chiếu được cấp trước ngày 1/1/2022 vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn ghi trong giấy tờ này, đồng nghĩa không nhất thiết đổi sang hộ chiếu gắn chip điện tử. Mặc dù vậy, hộ chiếu gắn chip điện tử sẽ mang lại nhiều lợi ích.

Sử dụng hộ chiếu gắn chip điện tử sẽ tạo thuận lợi cho công dân khi làm thủ tục xuất nhập cảnh, cũng như tạo điều kiện cho việc xét cấp thị thực (visa) của các nước được dễ dàng hơn.

Cụ thể, công dân Việt Nam sử dụng hộ chiếu gắn chíp điện tử khi đến các nước miễn visa sẽ được xuất cảnh, nhập cảnh qua cổng kiểm soát tự động.

Mặt khác, hộ chiếu gắn chip điện tử là một tiêu chuẩn nâng cấp giá trị của hộ chiếu đối với quốc tế. Nhiều nước coi hộ chiếu gắn chip điện tử là một trong những điều kiện để ưu tiên xét cấp visa.

Màu bìa của hộ chiếu phổ thông sẽ đổi từ màu xanh hiện hành sang màu xanh tím. Hộ chiếu ngoại giao mẫu mới dùng trang bìa màu nâu đỏ, hộ chiếu công vụ dùng trang bìa màu xanh lá cây đậm.

Hướng dẫn làm hộ chiếu gắn chip điện tử

Thủ tục làm hộ chiếu gắn chip điện tử được quy định đầy đủ trong Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam (số 49/2019/QH14).

Làm hộ chiếu gắn chip điện tử cần những gì?

Người đề nghị cấp hộ chiếu điền đầy đủ thông tin và nộp tờ khai theo mẫu trong Thông tư 73 mới nhất của Bộ Công an, cùng với 2 ảnh chân dung và giấy tờ liên quan; đồng thời xuất trình chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng.

Giấy tờ liên quan đến việc cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước bao gồm hộ chiếu phổ thông cấp lần gần nhất đối với người đã được cấp hộ chiếu; trường hợp hộ chiếu bị mất phải kèm đơn báo mất hoặc thông báo về việc đã tiếp nhận đơn của cơ quan có thẩm quyền.

Người đề nghị cấp hộ chiếu cũng cần có bản chụp chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân đối với trường hợp có sự thay đổi thông tin về nhân thân so với thông tin trong hộ chiếu đã cấp lần gần nhất.

Làm hộ chiếu gắn chip điện tử ở đâu?

Người đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu thực hiện tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thường trú hoặc nơi tạm trú; trường hợp có thẻ căn cước công dân thực hiện tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thuận lợi.

Trong một số trường hợp đặc biệt được chấp nhận, người đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu có thể lựa chọn thực hiện tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an.

Đề nghị cấp hộ chiếu từ lần thứ hai được thực hiện tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thuận lợi hoặc Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an.

Làm hộ chiếu gắn chip điện tử sẽ như thế nào?

Người được giao nhiệm vụ có trách nhiệm tiếp nhận tờ khai, ảnh chân dung, giấy tờ liên quan; kiểm tra, đối chiếu với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; chụp ảnh, thu thập vân tay của người đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chip điện tử lần đầu; cấp giấy hẹn trả kết quả.

Trong thời hạn 8 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận, cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh trả kết quả cho người đề nghị; trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận, Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an trả kết quả cho người đề nghị.

Trường hợp chưa cấp hộ chiếu, Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh trả lời bằng văn bản, nêu lý do.

Anh Hào