Xuất khẩu hàng hóa trực tuyến: Hướng đi tất yếu của doanh nghiệp

Dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp đã tác động mạnh mẽ làm gián đoạn thị trường xuất khẩu cũng như thị trường nguồn cung phục vụ cho sản xuất. Trong bối cảnh đó, xúc tiến thương mại (XTTM) và xuất khẩu hàng hóa trực tuyến được coi là hướng đi tất yếu của DN nếu không muốn bị tụt lại phía sau.
Xuất khẩu hàng hóa tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Việt Dũng
Bí kíp tìm kiếm khách hàng hiệu quả

 

Việc chuyển đổi từ XTTM theo lối truyền thống, trực tiếp sang XTTM trực tuyến đã và đang là giải pháp được cả cơ quan quản lý nhà nước cũng như nhiều DN thúc đẩy nhằm kết nối phục hồi sản xuất, mở rộng thị trường trong bối cảnh hiện nay.

 

Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) Tô Hoài Nam nhận định, ưu điểm vượt trội của kênh XTTM trực tuyến là rút ngắn khoảng cách giữa các đối tác, khách hàng và DN. DN có thể tiếp thị toàn cầu, truy cập lấy thông tin cũng như giao dịch với khách hàng 24/7. Đặc biệt, XTTM trực tuyến chi phí chỉ bằng 1/10 so với XTTM trực tiếp nhưng đem lại hiệu quả gấp nhiều lần. “Nếu như trước đây, VINASME thường chủ trì các chương trình XTTM cấp quốc gia với việc tổ chức các đoàn DN Việt Nam tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại quốc tế thì hiện nay, để thích ứng với tình hình mới, VINASME đã nhanh chóng điều chỉnh hỗ trợ XTTM sang trực tuyến cho DN” – ông Tô Hoài Nam thông tin.

 

Trong năm 2020, Bộ Công Thương đã tổ chức hơn 500 hội nghị xúc XTTM quốc tế bằng hình thức trực tuyến. Kết quả, có hơn 1 triệu phiên giao thương trực tuyến được thực hiện, hàng trăm nghìn DN Việt Nam được hỗ trợ XTTM với các đối tác nước ngoài. Hình thức XTTM mới này đã giúp DN xuất khẩu tiết kiệm chi phí mà vẫn phát triển tốt quan hệ với đối tác nước ngoài, bao gồm 55 thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, hiện các hình thức xúc tiến hiện đại còn hạn chế; quy mô hoạt động còn nhỏ so với các nước trong khu vực. Hoạt động XTTM chưa có sự liên kết thành một hệ sinh thái giữa DN xuất khẩu, hiệp hội ngành hàng, tổ chức XTTM với nhà cung cấp dịch vụ chuyên ngành. Nếu khắc phục những hạn chế này thì hiệu quả mang lại sẽ lớn hơn rất nhiều.

 

Doanh nghiệp phải chuyển đổi số

 

Chia sẻ kinh nghiệm trong xuất khẩu hàng hóa trực tuyến, Phó Tổng Giám đốc Công ty OSB (Đại lý ủy quyền chính thức của Alibaba.com tại Việt Nam) Trần Đình Toản cho rằng, sản phẩm phải đảm bảo chất lượng, giá thành tốt mới có thể thành công trong XTTM trực tuyến. Theo đó, DN cần một số yếu tố then chốt, cụ thể: DN phải có sản phẩm đủ khả năng, tiềm năng xuất khẩu với giá thành cạnh tranh; DN phải có nhân sự chuyên trách và gian hàng quảng bá chuyên nghiệp; DN tích cực nâng cao thứ hạng gian hàng, tăng khả năng quảng bá sản phẩm. Đặc biệt, do tính cạnh tranh trong thương mại điện tử rất khốc liệt nên DN cần số hóa tất cả điểm tiếp xúc để tương tác với người mua hàng, qua đó hỗ trợ tốt cho các khâu từ marketing đến bán hàng, chăm sóc khách hàng…

 

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) Nguyễn Ngọc Dũng, chuyển đổi số nên bắt đầu sớm và DN hoàn toàn có thể làm được. Đối với các DN nhỏ và vừa, tuy nguồn lực có hạn chế nhưng lại có lợi thế do có quy mô nhỏ nên chuyển đổi số sẽ dễ dàng và ở trong phạm vi ảnh hưởng nhỏ hơn so với DN lớn. “Cần nhất của chuyển đổi số phải bắt đầu từ tư duy người lãnh đạo đến xây dựng hạ tầng, đào tạo nhân sự và cuối cùng mới là yếu tố công nghệ” – ông Nguyễn Ngọc Dũng lưu ý.

 

Nhiều chuyên gia khuyến nghị, bên cạnh sự nỗ lực tự thân của DN, thời gian tới vẫn cần sự đồng hành sát sao hơn nữa của cơ quan quản lý Nhà nước, nhất là ở góc độ tài chính nhằm giúp DN thành công hơn trong XTTM trực tuyến, tận dụng cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa khi hội nhập kinh tế sâu rộng. Để tiếp sức cho sự thay đổi này, các cơ quan hữu quan cần tăng cường tuyên truyền về tính ưu việt của XTTM trực tuyến, kinh doanh thương mại điện tử. Cùng với đó, tổ chức các khóa đào tạo, hỗ trợ DN về nhân sự điều hành kinh doanh thương mại điện tử; hỗ trợ tài chính để DN chuyển đổi số, nắm bắt và tận dụng các cơ hội kinh doanh.

Năm 2021, Bộ Công Thương tiếp tục sửa đổi, bổ sung một số quy định mới nhằm tạo hành lang pháp lý phù hợp và thuận lợi để các tổ chức, DN trong nước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động XTTM, quảng bá thương hiệu thông qua môi trường kỹ thuật số.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

 

 

ÁNH NGỌC