Phút giây huyền diệu
Ngày 28-2-2021, Nguyễn Ngọc Mạnh, chàng trai 31 tuổi ở thôn Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh, TP Hà Nội) đã có một hành động phi thường.
Khi nghe tiếng hô hoán và phát hiện ra có một em bé bò ra lan can một căn hộ ở tầng 12A (tức tầng 13) của tòa chung cư số 60B Nguyễn Huy Tưởng (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) có nguy cơ bị rơi xuống, anh đã nhanh chóng trèo lên mái che của sảnh tầng 1 chờ sẵn; và đỡ được bé gái khi bé rơi xuống.
Bé gái 3 tuổi đã được cứu sống một cách thần kỳ như vậy đó.
Xin nhắc lại, hành động của Nguyễn Ngọc Mạnh là phi thường, nhanh nhẹn, dũng cảm, mạnh mẽ và quan trọng hơn cả, là đúng lúc.
Anh Nguyễn Ngọc Mạnh, người cứu giúp bé gái thoát nạn.
Hành động của Mạnh khiến tôi nhớ đến một việc làm tương tự của một phi công Liên Xô 28 tuổi cách đây 52 năm.
Sáng 13-3-1969, cô bé Kathrin Lehmann 4 tuổi chơi ở cửa sổ căn hộ của mình, tại một ngôi nhà trên phố Wilhelm-Pieck, thành phố Magdeburg (CHDC Đức).Hành động của Mạnh khiến tôi nhớ đến một việc làm tương tự của một phi công Liên Xô 28 tuổi cách đây 52 năm.
Đại úy không quân Xô viết Igor Belikov hôm đó tình cờ đi qua khu vực này. Nghe tiếng hét, anh nhìn lên và thấy cô bé đã đứng trên cửa sổ. Và trong tích tắc, Belikov hiểu điều gì sẽ xảy ra. Anh lột ngay chiếc áo khoác (áo ca-pốt) đang mặc, lao như bay đến ngay chỗ cô bé có thể rơi.
Và, đúng lúc đó, cô bé Kathrin Lehmann ngã xuống, từ độ cao 22 mét.
Đại úy Belikov nhào tới, trong tích tắc, hai tay giơ chiếc áo khoác, đỡ trọn thân thể cô bé con. Và, chỉ ít giây sau, anh nghe thấy tiếng khóc.
Đại úy Igor Belikov cùng bé gái Kathrin Lehmann (ảnh trái). Phù điêu chiếc áo khoác sĩ quan và tượng cô bé Kathrin Lehmann tại đài kỷ niệm sự kiện này ở thành phố Magdeburg (ảnh phải). Ảnh tư liệu.
Thật kỳ diệu, cô bé 4 tuổi Kathrin Lehmann không hề mảy may bị thương. Sau này, người ta đã tính toán rằng, với trọng lượng cô bé rơi tự do như thế từ độ cao của tòa nhà 6 tầng, đôi tay của Đại úy Igor Belikov đã chịu một khối lượng khoảng 250kg, tương đương một chiếc xe máy.
Giao em bé cho bố mẹ xong, Igor Belikov vội vã đi ngay, đến điểm kiểm tra sức khỏe theo như lịch định sẵn. Anh không muốn mình trở thành tâm điểm của sự chú ý, của những lời cảm ơn.Thật kỳ diệu, cô bé 4 tuổi Kathrin Lehmann không hề mảy may bị thương. Sau này, người ta đã tính toán rằng, với trọng lượng cô bé rơi tự do như thế từ độ cao của tòa nhà 6 tầng, đôi tay của Đại úy Igor Belikov đã chịu một khối lượng khoảng 250kg, tương đương một chiếc xe máy.
Nhưng, chính quyền và nhân dân thành phố Magdeburg không quên người lính Xô viết đã cứu sống em bé, trong một trường hợp đến không tưởng. Họ đã mời anh làm công dân danh dự của thành phố, và gọi anh là con người của khoảnh khắc.
15 năm sau, tại Magdeburg đã dựng một đài kỷ niệm sự kiện này. Đài kỷ niệm bằng đồng, có hai mặt. Một mặt, có bức phù điêu chân dung Đại úy Belikov, còn mặt kia là… chiếc áo khoác sĩ quan-chiếc áo khoác sĩ quan thiên thần đã cứu cô bé con 4 tuổi năm nào khỏi lưỡi hái của Thần chết. Cạnh đó, là bức tượng một cô bé, hẳn đó là Kathrin Lehmann.
.…Chàng trai Nguyễn Ngọc Mạnh và hành động phi thường của anh đã làm lay động trái tim bất cứ ai khi biết được sự việc.
Người ta vẫn nói: Muốn biết giá trị thật sự của 1/100 giây, hãy hỏi vận động viên điền kinh vừa đoạt huy chương bạc tại Olympic
Nguyễn Ngọc Mạnh đã cho chúng ta biết giá trị thật sự của 1/1000 giây, thậm chí ít hơn nữa khi lao mình lên mái tôn, giơ đôi tay vững chãi của mình đón em bé rơi xuống. Đúng lúc, không chậm lấy 1/1000 giây.
Tôi xin mượn chữ của Puskin để nói về khoảnh khắc này. Đó chính là “Phút giây Huyền diệu” (Чудное мгновенье).
Thời gian cũng như dòng sông cứ mải miết trôi. Nhưng, những phút giây huyền diệu thì sẽ luôn ngưng đọng mãi, làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn và khiến chúng ta không thể nào quên.
PHAN VIỆT HÙNG