3 điểm cần ghi nhớ khi chọn kem chống nắng

Thoa kem chống nắng mỗi ngày là chuẩn nhưng trước đó, bạn còn cần phải chọn loại kem chống nắng đủ sức bảo vệ làn da khỏi ánh nắng mặt trời.

Mùa Hè sắp đến, và dù bạn bôi kem chống nắng không sót ngày nào trong năm thì sang đến mùa Hè, nhiệm vụ này còn trở nên quan trọng hơn. Do ngày sẽ kéo dài hơn, ánh nắng mặt trời sẽ mạnh hơn và bạn cũng dành nhiều thời gian cho các hoạt động ngoài trời (như đi bơi, đi du lịch…).

Mua được kem chống nắng chất lượng cũng không phải là điều gì quá khó, bạn cứ tuân theo 3 tiêu chí sau đây của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (American Cancer Society) thì sẽ tìm thấy cho mình được sản phẩm giúp bảo vệ da tốt.

1. Chọn kem chống nắng có ghi “broad spectrum” (quang phổ rộng)

Khi đi mua kem chống nắng thì điều đầu tiên bạn cần nghiên cứu kỹ chính là bao bì sản phẩm. Nếu trên đó được ghi chú “broad spectrum” (quang phổ rộng) thì sản phẩm có thể bảo vệ làn da của bạn khỏi cả tia UVA và UVB. Tất cả các loại kem chống nắng đều có khả năng chống lại tia UVB – nguyên nhân chính gây ra cháy nắng và ung thư da. Tuy nhiên, tia UVA cũng góp phần gây ung thư, đồng thời còn gây ra lão hóa sớm. Và làn da của bạn cần được bảo vệ khỏi cả tia UVA lẫn UVB để vừa bảo đảm sức khỏe, vừa giữ cho da được trẻ lâu, mịn màng và tươi sáng.

Chỉ những sản phẩm đã vượt qua bài kiểm tra nhất định thì mới được dán nhãn “broad spectrum”; những sản phẩm không có ghi chú này sẽ thường có cảnh báo rằng sản phẩm chỉ bảo vệ làn da của bạn khỏi cháy nắng, không bao gồm ung thư da và lão hóa.

gf - Ảnh 1.

Ký hiệu “Broad Spectrum” trên bao bì sản phẩm.

2. Chọn kem chống nắng có chỉ số SPF 30 trở lên

Kem chống nắng bạn chọn cần có chỉ số tối thiểu là SPF 30. Chỉ số SPF thể hiện khả năng bảo vệ làn da khỏi tia UVB của kem chống nắng. Chỉ số SPF cao hơn thì có nghĩa là khả năng bảo vệ da tăng lên, nhưng khi bạn chọn chỉ số chống nắng cao hẳn (khoảng từ SPF 30 trở lên) thì sẽ không có nhiều sự khác biệt. Cụ thể, SPF 15 sẽ chống lại được khoảng 93% tia UVB trong khi SPF 30 sẽ chặn được 97%. Nhưng nếu bạn chọn chỉ số chống nắng là SPF 50 thì khả năng chặn tia UVB cũng chỉ nhỉnh hơn một chút là 98%, còn SPF 100 là 99%.

Không sản phẩm kem chống nắng nào có thể bảo vệ làn da hoàn toàn nhưng ít nhất, bạn hãy chọn cho mình sản phẩm có chỉ số SPF 30 trở lên. FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) yêu cầu bất cứ kem chống nắng nào có chỉ số SPF dưới 15 đều phải cảnh báo người dùng rằng sản phẩm chỉ ngăn được cháy nắng, không có khả năng giảm thiểu ung thư da và chống lão hóa.

gf - Ảnh 2.

3. Lưu ý về khả năng chịu nước của kem chống nắng

“Water resistant” (khả năng chịu nước) không có nghĩa là có thể chống thấm nước (waterproof). Các nhà sản xuất cũng không được quảng cáo rằng sản phẩm của họ có khả năng chống thấm nước/mồ hôi vì không loại kem chống nắng nào có thể làm vậy.

Nếu sản phẩm nào đó có ghi chú về tác dụng chịu nước (water resistant), loại kem chống nắng đấy phải xác định cụ thể rằng giúp bảo vệ da trong khoảng thời gian 40 phút hay 80 phút trong khi bạn bơi lội hay đổ mồ hôi.

Để có được sự bảo vệ tốt nhất, bạn cần phải thoa lại kem chống nắng sau mỗi hai tiếng, thậm chí là phải thoa lại sau khoảng thời gian ngắn hơn nếu bạn đi bơi hoặc đổ nhiều mồ hôi. Kem chống nắng sẽ trôi khỏi làn da của bạn nếu như bạn dùng khăn để lau mặt. Vậy nên, việc thoa lại kem chống nắng là rất cần thiết.

gf - Ảnh 3.Sản phẩm này có khả năng bảo vệ làn da trong vòng 80 phút tiếp xúc với nước/đổ nhiều mồ hôi.
Nguồn: American Cancer Society